Tại cuộc họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu tạm dừng thực hiện việc nhận tài trợ bằng sản phẩm dự án quy hoạch đô thị.
>>Nghệ An: Dự án chống sạt lở nhưng...sạt lở quanh năm
Nhiều dự án ở Nghệ An xảy ra tình trạng quy hoạch xong rồi lại bị “đắp chiếu” suốt một thời gian dài, gây ra các hệ luỵ về mỹ quan đô thị, lãng phí quỹ đất…
Trong thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An, nhiều nhà đầu tư đã triển khai công tác tài trợ quy hoạch các dự án đô thị, như: Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực chợ Vinh đã trình UBND tỉnh cho phép Công ty CP Đầu tư phát triển địa ốc D’Gold tài trợ lập quy hoạch; Khu đô thị mới ở phường Đông Vĩnh (khu vực phía Đông) do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt Nghệ An tài trợ kinh phí lập quy hoạch; Khu đô thị mới phía Đông Nam xã Hưng Chính (Villa Garden Park) đã trình tỉnh cho phép Công ty CP Crystal Bay tài trợ kinh phí lập quy hoạch; Đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đại lộ Vinh - Cửa Lò…
Đơn cử như tại Đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đại lộ Vinh - Cửa Lò, tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò có tổng chiều dài 11,2 km đi qua 7 phường và xã của thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, quy mô nền đường rộng 95m đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, các không gian quy hoạch phân khu về đô thị “vệ tinh” xung quanh tuyến đại lộ này vẫn chưa được triển khai.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, sau khi tạm dừng thực hiện việc nhận tài trợ bằng sản phẩm dự án quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, rà soát đánh giá toàn bộ hoạt động tài trợ xây dựng quy hoạch đô thị trong thời gian qua.
>>Nghệ An: Ai "bảo kê" cho khai thác khoáng sản trái phép?
>>Nghệ An: Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương có cố ý làm trái luật?
Liên quan đến vấn đề nhận tài trợ bằng sản phẩm đồ án, dự án quy hoạch đô thị, ông Vũ Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho rằng, để triển khai công tác này cần phải quan tâm đến nguồn lực thực hiện sau khi có quy hoạch. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng quy hoạch “treo”, phê duyệt xong rồi không triển khai dự án, gây ra nhiều hệ luỵ về sau.
Chính vì vậy, để có đồ án, dự án quy hoạch đô thị bài bản, trước khi triển khai dự án, cần có ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến cộng đồng dân cư. Điều này cũng góp phần tránh tình trạng nhà đầu tư lợi dụng chủ trương tài trợ quy hoạch đô thị để “cài cắm” lợi ích riêng của mình vào vị trí đất mà mình thực hiện, rồi “ôm” luôn dự án để xây dựng…
Trong khi đó, theo Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và Khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thì việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được nhà nước khuyến khích xã hội hoá thông qua hình thức tài trợ kinh phí, chứ không phải nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch.
Được biết, mới đây Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Công văn số 1154 ngày 07/4/2022 đề nghị các tỉnh, thành cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định về tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành; không để trục lợi, lợi ích nhóm, đồng thời tạo sự công khai, minh bạch…
Có thể bạn quan tâm