Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính song hành với cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Trong đó, cắt giảm các chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời sẽ xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng, tiêu cực… là những động thái tích cực mà chính quyền tỉnh này đưa ra để củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Xác định doanh nghiệp là động lực chính để phát triển, những năm qua, Nghệ An đã không ngừng nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các hoạt động, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua nhiều cách thức, giải pháp thiết thực và hiệu quả, được doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Định kỳ hàng năm, chính quyền tỉnh Nghệ An đều ban hành kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC, kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC trọng tâm, thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động kiểm soát TTHC trên toàn tỉnh... Đồng thời thường xuyên tổ chức họp bàn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm để xử lý kịp thời, bảo đảm các dự án hoạt động hiệu quả.
Kết quả thu hút đầu tư của Nghệ An trong những năm trở lại đây là một minh chứng điển hình cho những nỗ lực đáng ghi nhận trên. Cụ thể, năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 1,7496 tỷ USD vốn FDI, tăng 8,8% so với năm 2023. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 169 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,686 tỷ USD. Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn cho Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua tỉnh Nghệ An vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cho biết thủ tục giấy tờ vẫn còn phức tạp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính không được rút ngắn như kỳ vọng, đặc biệt ở một số địa phương trong việc xác định nguồn gốc, hiện trạng đất đai,…
Điểm số PCI Nghệ An được công bố năm 2024 cũng cho thấy rõ thực trạng trên khi bị tụt hạng khá nhiều, từ vị trí thứ 23 xuống 44 trên bảng xếp hạng toàn quốc, với tổng điểm là 65,71. Trong đó, Chỉ số cạnh tranh bình đẳng đã tụt xuống vị trí thứ 44/63, Chỉ số chi phí không chính thức đứng cuối bảng xếp hạng, Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất giảm năm thứ 3 liên tiếp, đứng thứ 55/63, Chỉ số chi phí thời gian khi thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh của tỉnh đánh giá xếp hạng 52/63, phản ánh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Đây cũng chính là những rào cản gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Nghệ An trong thời gian vừa qua. Ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cũng từng đề nghị tỉnh nhà cần phải đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên tiếp cận với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Giảm các chi phí, rút gọn TTHC
Liên quan đến nội dung trên, mới đây, ông Lê Hồng Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký, ban hành văn bản yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, cấp xã liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Đảm bảo rút ngắn ít nhất 40% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành, giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ); kiến nghị bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý để tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phân cấp, uỷ quyền cho các cơ quan, đơn vị liên quan, giảm thiểu các bước trung gian, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh theo định hướng của Trung ương và của tỉnh.
Đối với các sở, ban ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu thực hiện phân luồng, rút ngắn thời gian giải quyết đối với các nhóm hồ sơ thủ tục nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh là 10,5%. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc xác định cấp độ “Luồng xanh” của văn bản được giao để tập trung giải quyết ngay đối với các hồ sơ thủ tục theo cơ chế ưu tiên.
Cụ thể, các nhóm hồ sơ thủ tục ưu tiên, bao gồm: Hồ sơ liên quan đến đầu tư và phát triển hạ tầng; xuất khẩu, logistics và thương mại quốc tế; nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo; thủ tục phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, đô thị thông minh, chính phủ điện tử; viễn thông, giao thông thông minh, vận tải công nghệ cao.
Đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hoá) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn đoạn km7- km76, đường giao thông vào trung xã Nhôn Mai và Mai Sơn (huyện Tương Dương), đường nối Quốc lộ 7C đi đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 48E, huyện Tân Kỳ, dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7; dự án xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò…
Ngoài ra, ông Lê Hồng Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phải quyết kịp thời, thực chất các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng, tiêu cực để củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.