Đêm 18/7, rạng sáng ngày 19/7, bão số 3 (bão Sơn Tinh) đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối 18/7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã xuất hiện mưa to kéo dài với lượng mưa từ 70-150mm. Riêng vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Tĩnh Gia, Ngọc Trà (Thanh Hóa) có gió giật cấp 9, biển động rất mạnh.
Có thể bạn quan tâm
15:44, 18/07/2018
14:01, 17/07/2018
05:10, 19/07/2018
05:10, 18/07/2018
Hồi 4h ngày 19/7, bão số 3 đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới gần bờ các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9. Trên đất liền, áp thấp nhiệt đới đã gây ra gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Mặc dù không gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng ảnh hưởng của bão số 3 đổ bộ vào Nghệ An, Hà Tĩnh vào rạng sáng 19/7 đã khiến nhiều tuyến đường bị cô lập, hàng chục nhà dân bị tốc mái, hàng nhìn ha hoa màu bị ngập úng hoàn toàn…
Riêng tại Nghệ An, do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua nên đã có hàng km QL, Tỉnh lộ…bị ngập lụt gây chia cắt về giao thông đi lại. Mưa lớn đã làm 5.000 ha lúa, gần 3.500 ha hoa màu, hơn 430 ha nuôi trồng thủy sản của Nghệ An bị ngập úng và có nguy cơ mất trắng nếu không tiêu úng kịp thời.
Từ sáng 18/7, để đảm bảo cho nhà máy Thủy điện Khe Bố trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) được vận hành an toàn theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, nhà máy đã bắt đầu xả lũ với lưu lượng 800 m3/s đến 1700 m3/s. Hàng nghìn hộ dân ở vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng đã được các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An di dời đến nơi an toàn.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, dù không trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh, tuy nhiên bão số 3 cũng gây ra một số thiệt hại đáng kể.
Vào khoảng 19h ngày 18/7, một cơn lốc xoáy quét qua địa bàn thôn 2 (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã làm tốc mái, sập giàn che của 15 hộ dân.
Trước đó, chiều ngày 18/7, tại QL8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm tấn đất, đá đổ xuống đường gây ách tắc nghiêm trọng. Cách đó không xa, mưa lớn cũng đã làm sạt lở mái taluy dương tại Km 80+300 với 40 m3 đất và làm đứt 30 m đường dẫn đầu cầu Trốc Vạc. Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Hương Sơn có 2 người chết đuối do đi thả cá tại vùng nước dâng vào chiều 18/7.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hiện nay, lũ trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh ở xu thế lên chậm. Mực nước lúc 4h sáng 19/7 trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ ở mức 8.82m, tại Hòa Duyệt ở mức 6.27m; trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm ở mức 8.56m; sông La tại trạm Linh Cảm ở mức 2.84m; sông Rào Cái và Cửa Nhượng ảnh hưởng thủy triều.
Dự báo trong 6h tới, lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông La ở xu thế lên chậm. Đỉnh lũ trên thượng nguồn sông Ngàn Phố có khả năng ở mức báo động 1, trên sông Ngàn sâu và sông La có khả năng ở mức dưới báo động 1.
Hiện tại con số thiệt hại về người và tài sản vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật. Trong 3-6 giờ tới, các cơ quan chức năng cũng cảnh báo người dân ở các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An); Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Lộc Hà, Can Lộc... trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đề phòng sạt lở, nước lũ dâng cao.