Kinh tế địa phương

Nghệ An: Hơn 200 nghìn tỷ đồng đến từ đâu?

Hồng Quang 13/01/2025 09:16

Bất chấp những khó khăn cùng hệ quả của suy thoái kinh tế toàn cầu, Nghệ An vẫn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng khá cao so với mức bình quân cả nước.

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên trong lịch sử ghi nhận quy mô nền kinh tế tỉnh này vượt mốc 200 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong các ngành, lĩnh vực.

Vượt ngưỡng 200 nghìn tỷ đồng

Báo cáo mới đây của Cục Thống kê Nghệ An cho thấy, năm 2024, tốc độ tăng trưởng toàn tỉnh đạt 9,01%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 216.943 tỷ đồng, tương đương hơn 8,54 tỷ USD, tăng thêm hơn 114.416 tỷ đồng so với năm 2023 và cũng là năm đầu tiên vượt mốc 200 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, quy mô của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt hơn 46.696 tỷ đồng, chiếm 21,52%, khu vực công nghiệp đạt hơn 67.792 tỷ đồng, chiếm 31,25%, khu vực dịch vụ đạt hơn 92.590 tỷ đồng, chiếm 43,69% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt hơn 9.864 tỷ đồng, chiếm 4,55%.

Ảnh 1
Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 3,7 tỷ USD, tăng 28,38% so với năm 2023, vượt 23,33% so với kế hoạch năm 2024.

Qua phân tích, quy mô nền kinh tế Nghệ An không ngừng được mở rộng nhờ đầu tư FDI tiếp tục khởi sắc, xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo hồi phục mạnh mẽ và đặc biệt là sự vực dậy của khu vực kinh tế tư nhân, vốn có mức tăng trưởng thấp trong những năm gần đây.

Các chuyên gia nhận xét, trên thực tế, Nghệ An bị ảnh hưởng khá sâu sắc từ nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, chính sự phục hồi của thị trường thế giới trong năm vừa qua đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu quay trở lại, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Chưa kể, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI liên tục chảy mạnh vào Nghệ An đã góp phần quan trọng, phục vụ thêm cho ngành xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và thương mại dịch vụ của Nghệ An.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay: Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 113.027 tỷ đồng, tăng 16,38% so với năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 107.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2023, tăng 15,05% so với kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 3,7 tỷ USD, tăng 28,38% so với năm 2023, vượt 23,33% so với kế hoạch năm 2024.

Ảnh 2
Nghệ An chú trọng tái cơ cấu ngành công nghiệp và thu hút đầu tư theo hướng có chiều sâu, đưa sản phẩm địa phương tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, một số sản phẩm tạo dấu ấn đột phá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn, điển hình như: Sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô ước tăng gấp đôi cùng kỳ do các dự án sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất. Các dự án mới đi vào hoạt động bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường, nên năm 2024 ước đạt 580 triệu sản phẩm, tăng gấp 3 lần năm 2023, đạt kế hoạch giao.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển, nhất là lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện điện tử, phụ tùng ô tô. Ngành dệt may, da giày với mục tiêu hướng đến đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh trong các khâu sản xuất trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước vượt qua khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, thuộc tốp đầu trong thu nộp ngân sách của tỉnh như: Sữa, đường, tôn, thép, bia…

Đối với hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ hàng thô chưa qua chế biến giảm, hàng công nghiệp và hàng qua chế biến tiếp tục tăng. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng với gần 400 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 250 doanh nghiệp Nghệ An. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp liên tục được mở rộng qua các năm. Đến năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang 150 nước và vùng lãnh thổ, tăng 26 thị trường so với năm 2020.

Tiếp tục vươn mình phát triển

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực trong năm 2024, tuy nhiên chính quyền tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế địa phương còn chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài như: Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài vào nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất… Chưa kể, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, bão lụt gây thiệt hại ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Ảnh 3
Năm 2025, Nghệ An đặt mục tiêu mức tăng trưởng từ 9,5 - 10,5%.

Bước sang năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025, chuẩn bị tiền đề cho kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 của nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX, cùng cả nước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mục tiêu tổng quát của Nghệ An là tăng tốc, bứt phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 ở mức cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,5 - 10,5%, bình quân thu nhập đầu người từ 71 - 72 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD.

Để đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2025, chính quyền tỉnh Nghệ An đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong thu hút đầu tư, Nghệ An sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến quảng bá, ưu tiên thu hút FDI vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển.

Cùng với cả nước, Nghệ An triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng chống lãng phí, đặc biệt là các công trình, dự án còn dở dang, có nguy cơ thất thoát ngân sách để có giải pháp giải quyết vướng mắc, khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả của các công trình, dự án. Đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, nâng cao chất lượng công vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Khép lại năm cũ với nhiều dấu ấn nổi bật, Nghệ An tự tin bước vào năm 2025 với những kỳ vọng lớn lao hơn về vị thế của một tỉnh trong cực phát triển vùng Bắc Trung Bộ, sẵn sàng cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghệ An: Hơn 200 nghìn tỷ đồng đến từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO