Lao động địa phương đi làm ăn xa có xu hướng quay trở về để làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp gần quê hương đang diễn ra. Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tuất, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu bước vào cuộc đua cạnh tranh với nhau để tuyển dụng lao động vào làm việc…
Đây là tình trạng chung của “điệp khúc” sau kỳ nghỉ Tết đối với thị trường lao động ở Nghệ An trong thời gian gần đây.
Lao động “di cư” trở về?
Trong những năm gần đây, tình trạng người lao động “di cư” từ các tỉnh xa về gần quê hương để làm việc đang diễn ra. Mặt khác, số người lao động ở Nghệ An tập trung phần lớn ở các vùng quê cũng rơi vào tâm lý muốn “ly nông” nhưng không “ly hương”. Điều này lý giải cho việc số người lao động trở về địa phương hoặc các tỉnh lân cận trong những năm gần đây đang gia tăng.
“Hiện nay, nhiều công ty may mặc cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn mà mức thu nhập cũng khá nên tôi quyết định lần này về quê không vào Nam nữa. Làm việc gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình hơn cộng thêm đó là mức trả lương cũng không thua kém là mấy so với công ty trong miền Nam nên tôi rất yên tâm” - Chị Trần Thị Duyên quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từng làm công nhân may mặc hơn 5 năm ở tỉnh Bình Dương cho biết.
Theo đánh giá của các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm, cứ vào thời điểm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán hàng năm, các doanh nghiệp lại phải tìm mọi cách để níu giữ lao động quay trở lại làm việc cho mình.
Ông Hồ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An (Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trước thời điểm trước Tết nguyên đán Mậu Tuất năm nay, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã gửi văn bản thông qua trung tâm để tuyển dụng hàng chục vạn lao động làm việc sau Tết. Điều này cũng thúc đẩy doanh nghiệp phải nâng cao các chế độ phúc lợi, mức thu nhập, nơi ăn chốn ở…cho người lao động mới giữ chân công nhân được”.
Cũng theo ông Hồ Văn Hùng, thời điểm trước Tết nguyên đán Mậu Tuất đã có nhiều công ty trong miền Nam tổ chức xe đưa công nhân về quê Nghệ An ăn Tết rồi nằm chờ để đón vào.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng phương tiện về tận quê của người lao động để đưa đón công nhân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền.
Còn theo đánh giá của ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng việc làm, an toàn lao động (Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An) thì so với các năm, tình hình biến động về việc làm tại Nghệ An có sự dịch chuyển đáng kể.
Hiện nay, lao động quê Nghệ An đi làm xa ở các tỉnh trong Nam đang tập trung ra các tỉnh miền Bắc. Nghĩa là, xu thế dịch chuyển từ xa tới gần, thậm chí chọn doanh nghiệp ngay trên quê hương mình làm việc của người lao động đang chiếm ưu thế.
Doanh nghiệp “tung bài” thu hút lao động
Cùng với việc hoàn thiện các chế độ phúc lợi xã hội, nâng lương cho cán bộ, công nhân, các doanh nghiệp hiện nay cũng đưa ra nhiều ưu đãi để “giữ chân” người lao động làm việc lâu dài cho đơn vị mình.
Những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế lớn cũng đang tập trung đầu tư ở Nghệ An và một số tỉnh lân cận nên người lao động đã có nhiều cơ hội để lựa chọn doanh nghiệp vào làm việc.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo mức sống, thu nhập, môi trường làm việc, chỗ ở, điều kiện nâng cao tay nghề tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp…thì người lao động sẵn sàng “nhảy việc” sang đơn vị khác.
Tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng nguồn nhân lực lớn như: Công ty Matrix Vinh, Công ty điện tử BSE Việt Nam, Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên… đến thời điểm này đã đi vào hoạt động bình thường do chưa có nhiều xáo động về lao động.
Lý giải về điều này, đại diện một công ty may mặc ở KCN Bắc Vinh cho rằng do trong thời gian qua, đơn vị đã làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người lao động nên sau kỳ nghỉ Tết đã quay trở lại làm việc đều đặn.
Mặc khác, với mức thu nhập ổn định, được tham gia đầy đủ các phúc lợi xã hội, lại được làm việc gần nhà nên thị trường lao động tại Nghệ An nên người lao động cũng không muốn thay đổi nơi làm việc.
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, thời điểm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm nay, thị trường lao động không có nhiều biến động so với các năm khác. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật vẫn chiếm phần lớn vào thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang phải cạnh tranh thị trường lao động với nhau mới có thể thu hút người lao động vào làm việc cho doanh nghiệp mình được.
Qua thống kê cho thấy, trong năm 2017 đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đặt vấn đề tuyển dụng 28,4 vạn lao động là người Nghệ An. Riêng các doanh nghiệp đang hoạt động tại Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng gần 14 vạn lao động vào làm việc trong năm 2017 và quý I năm 2018.
Các doanh nghiệp ở Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Prex Vinh (Cụm Công nghiệp Lạc Sơn – huyện Đô Lương) tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật; Chi nhánh Công ty TNHH Emtech VN tại Nghệ An tại phường Vinh Tân – TP Vinh tuyển dụng 1.600 lao động phổ thông; Công ty TNHH sản xuất bật lửa gas Trung Lai tại xã Nghi Liên – Tp Vinh tuyển dụng 800 lao động phổ thông… với mức lương từ 6 đến hơn 10 triệu/tháng.
Thống kê tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An thì từ đầu năm 2018 đến nay có 124 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng gần 90.000 lao động. Riêng các doanh nghiệp trong tỉnh Nghệ An đăng ký nhu cầu tuyển dụng gần 6.000 lao động.
Tại Nghệ An với tổng số 1,7 triệu lao động hiện có, chưa kể hàng năm bổ sung thêm 4 vạn người đến độ tuổi lao động. Hàng năm, Nghệ An cũng là tỉnh có số lượng lao động lớn cho các KCN của các tỉnh trên địa bàn cả nước. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, để tránh bị “cò” việc lừa đảo, người lao động nên tham gia đăng ký nhu cầu tìm việc làm qua các trung tâm có đầy đủ cơ sở pháp lý để tránh rủi ro cho bản thân và gia đình. |