Nghệ An “siết” hoạt động của các văn phòng công chứng

NGỌC THÁI 17/09/2020 17:01

Không thực hiện đúng các quy định của Luật Công chứng trong giao dịch chứng thực hợp đồng, chuyển nhượng… khiến nhiều vụ việc tranh chấp dân sự liên quan xảy ra ngày một gia tăng.

Thực trạng này đang xảy ra ở một số văn phòng công chứng (VPCC) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã gây xáo trộn về hoạt động mua, bán, chuyển nhượng giữa người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.

p/Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động của văn phòng công chứng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động của văn phòng công chứng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Gặp rắc rối với công chứng viên

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng phải khẳng định rằng, từ khi Luật Công chứng ra đời đã góp phần rất lớn trong việc giảm tải áp lực xã hội cho cơ quan quản lý nhà nước như phường, xã, thị trấn.

Vậy nhưng, sau một thời gian hoạt động, nhiều VPCC trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những hành vi vi phạm các điều khoản quy định tại Luật Công chứng khiến nhiều hệ lụy xấu xảy ra. Về phía người dân và doanh nghiệp đã gặp không ít rắc rối nghiêm trọng do những hành vi vi phạm của công chứng viên gây ra.

Đó là một số trường hợp công chứng viên của các VPCC trên địa bàn Nghệ An công chứng hợp đồng nhưng không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Công chứng năm 2014, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Đơn cử như vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Công ty quản lý tải sản của các tổ chức tín dụng và bị đơn Lương Đức Thiện, bà Nguyễn Thị Huyền; người có quyền và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Sỹ Hoan và bà Thái Thị Đào Lương.

Cụ thể, ngày 04/10/2011, Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, chi nhánh Nghệ An đã ký hợp đồng tín dụng số T.C 0016.11/HĐTD với ông Lương Đức Thiện và bà Nguyễn Thị Huyền vay số tiền 1,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho vay ở trên là quyền sử dụng đất số thửa 58, tờ bản đồ số 27 tại khối Xuân Tiến, phường Hưng Dũng, Tp Vinh mang tên Nguyễn Sỹ Hoan. Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng với ông Nguyễn Sỹ Hoan và bà Thái Thị Đào Lương cũng được lập cùng ngày. Quá trình giải quyết vụ án, bàn Thái Thị Đào Lươn không thừa nhận chữ viết, chữ ký trong hợp đồng thế chấp nói trên đã được công chứng tại VPCC Quán Bánh ngày 05/10/2011. Lý do công chứng viên Vương Trịnh – VPCC Quán Bánh thực hiện công chứng khi tại thời điểm công chứng không có mặt của người yêu cầu công chứng là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng năm 2006 và hhoản 1 Điều 48 Luật Công chứng năm 2014.

Biết luật… vẫn phạm luật?

Vụ việc xảy ra tại VPCC Quán Bánh trên địa bàn Tp Vinh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện các sai phạm liên quan đến hoạt động công chứng trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua.

Điều đáng quan tâm là theo quy định tại Điều 8 của Luật Công chứng năm 2014 thì có 05 tiêu chuẩn để được công nhận công chứng viên trong đó phải có bằng cử nhân luật; Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng…

Tuy nhiên, với những vụ việc xảy ra tại các VPCC ở Nghệ An cho thấy, những người đã được công nhận đạt tiêu chuẩn làm công chứng viên vẫn để xảy ra sai phạm. Có nghĩa là, những công chứng viên được đào tạo, hiểu biết về pháp luật nhưng khi vận dụng vào công việc vẫn vô tư sai phạm?

Theo ông Hồ Sỹ Cấp – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thì thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện ra các sai phạm liên quan đến VPCC chủ yếu vi phạm Điều 40, Điều 44, Điều 46, Điều 48… của Luật Công chứng năm 2014.

Với những sai phạm này, ngày 28/8/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tỉnh Nghệ An cũng đã có văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức hoạt động của VPCC trên địa bàn.

Theo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, việc phát hiện sai phạm, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm tại các VPCC sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương.

Đặc biệt, việc hạn chế tình trạng tranh chấp liên quan đến công chứng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi tham gia tố tụng dân sự sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trước những kiến nghị và qua công tác rà soát các vụ việc do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nêu trong thời gian qua, ngày 10/9/2020, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành văn bản 6149/UBND-TD gửi các đơn vị liên quan để phối hợp, đưa ra các giải pháp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng giao cho Sở Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm về công chứng tại địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghệ An “siết” hoạt động của các văn phòng công chứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO