Tại Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, có một sự dịch chuyển rõ ràng của các bạn trẻ, nhất là những ai làm việc trong ngành sáng tạo, rời ghế văn phòng để bước vào thế giới "freelance".
Dù vậy, không dễ để thành công trong sự nghiệp làm việc tự do. Sự tự chủ mang đến những thử thách mới. Vì không thuộc một tổ chức và phải làm việc trực tiếp với khách hàng, người làm việc tự do đối mặt với những đòi hỏi đa dạng hơn, cộng thêm những bất ổn chực chờ do thiếu khách hàng, thiếu việc, thiếu tiền.
Bấp bênh là vậy, nhưng không có nghĩa người freelancer nên dễ dãi chấp nhận mọi yêu cầu từ phía khách hàng. Bạn hoàn toàn có quyền nói "không".
Một freelancer thường tiếp cận với một danh sách dài những khách hàng và dự án tiềm năng. Làm sao để quyết định nên nhận ai, việc gì?
Trước tiên, người làm việc tự do cần định vị bản thân rõ ràng trên thị trường lao động. Thế mạnh của bạn là gì? Mọi người thường tìm đến bạn với những dự án như thế nào? Những công việc nào thì phù hợp với định hướng của bạn? Và đâu là kiểu công việc bạn không thể nhận?
Khi một cá nhân hiểu rõ bản thân, họ dễ chọn lọc ra những dự án phù hợp với mình và biết nói "không" với những gì không phù hợp. Như typographer Donald Roos - tác giả sách, giảng viên đại học và tất nhiên, một người làm việc tự do - với mỗi dự án, ông có cho mình 7 câu hỏi: Bạn có tin vào dự án của mình không? Dự án có phù hợp với bạn không? Bạn có thời gian thực hiện dự án không? Bạn thực hiện dự án một mình được không? Bạn có thị trường không? Dự án có thú vị không?
Trong cuốn sách "Khoảnh khắc người sáng tạo", Roos cho hay ông đưa hết những dự án với câu trả lời "không" vào danh sách Việc-Đừng-Làm. Những gì còn lại chính là các dự án ông toàn tâm toàn ý thực hiện.
Nói cách khác, nói "không" giúp bạn tiết kiệm thời gian, làm việc say mê và tạo ra những kết quả tốt nhất.
"Bạn sẽ hối tiếc về những dự án tồi mà bạn đã nhận hơn là những dự án đã không nhận", những freelancer thâm niên thường rỉ tai nhau như vậy. Đừng rơi vào bẫy ai kêu gì cũng làm rồi bị lún sâu vào những dự án bản thân chán ghét. Và đừng ngại nhận một cái nhăn mặt không vừa ý từ khách hàng, bởi một khách hàng hiểu chuyện sẽ đánh giá cao một freelancer có những tiêu chuẩn của riêng mình.
Làm việc tự do, thỉnh thoảng bạn sẽ nhận những cuộc gọi như: "Anh có thể tạm ngưng mọi việc đang làm và làm ngay cho tôi việc này không?". Rồi bạn ngay lập tức hoãn cuộc hẹn với người yêu, hối hả làm theo yêu cầu, gửi kết quả đi và chẳng thấy hồi âm.
Mãi đến ba tháng sau, bạn lại nhận được điện thoại: "Chúng tôi muốn điều chỉnh một số chỗ trong bản đề xuất ý tưởng". Bạn nhận ra mình có những ba tháng để làm một việc mà đã bị buộc phải hoàn thành nhanh nhất có thể.
"Bạn không cần hoàn thành mọi việc trong hôm nay", Donald Roos khuyên trong "Khoảnh khắc người sáng tạo".
Một freelancer không thể tránh khỏi những đòi hỏi gấp gáp, đôi khi vô lý từ phía khách hàng. Họ đưa ra nhiệm vụ tức thời, họ đặt deadline vào chiều thứ sáu, hay họ gọi bạn vào ngày lễ. Vấn đề là bạn có biết nói "không" với những đòi hỏi đó hay không. Hãy thoả thuận rõ ràng với khách hàng về yêu cầu thời gian, hạn chót và những nguyên tắc làm việc khác.
Ngoài ra, theo Roos, để biết một yêu cầu là quá đáng hay hợp lý, bạn cần nhìn nhận dự án một cách bao quát, nghĩa là hiểu đích đến của cả dự án và phần việc của người khác nữa thay vì nhiệm vụ của riêng bạn. Nếu quá tập trung vào từng yêu cầu một của khách hàng hay từng chi tiết, bạn sẽ dễ bị trôi theo những chuyện nhỏ nhặt, nghĩ nó to tát và lãng phí nhiều công sức vào đó.
Một người làm việc tự do thường làm việc với nhiều khách hàng khác nhau trong cùng một giai đoạn, và mỗi khách hàng lại ưa chuộng những cách giao tiếp khác nhau. Có bên thích dùng email, có người chuyên gọi điện thoại và lại có những người thích trao đổi qua lại qua mạng xã hội.
Với đầu vào giao tiếp phức tạp như thế, một freelancer nên đặt ra kênh giao tiếp cố định của riêng mình.
"Hãy rõ ràng về kênh giao tiếp bạn sử dụng để liên lạc với khách hàng, nếu không một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra mình đang sử dụng 10 ứng dụng giao tiếp khác nhau", Donald Roos nói. Như chính Roos, khi khách hàng gửi cho ông ấy một thông tin quan trọng qua WhatsApp, ông sẽ lịch sự yêu cầu họ gửi lại nội dung đó qua email. Bằng cách đó, ông đảm bảo mình không bỏ lỡ thông tin quan trọng, vì Roos vốn chỉ dùng WhatApps để nói chuyện phiếm.
"Nếu có người gọi điện khi tôi đang lái xe, tôi sẽ yêu cầu họ gửi email để trình bày điều họ muốn nói. Nhờ vậy, tôi không phải luống cuống tìm giấy bút để ghi chú lại, và khách hàng cũng chắc chắn tôi nắm đủ thông tin cần thiết", Roos kể thêm.
"Khoảnh khắc người sáng tạo" của Donald Roos là cuốn sách hay dành cho các freelancer với thông điệp: "Người thông minh không làm việc một mình".
Tóm lại, một freelancer cần đặt ra cách giao tiếp cố định và tuân theo cách đó với mọi khách hàng. Nếu không, sớm muộn gì bạn cũng sẽ "nổi điên" vì bị xoay quanh bởi những cuộc điện thoại, những email, những tin nhắc Facebook, WhatsApp... và không còn đâu năng lượng để làm việc.
Bên cạnh đó, cũng cần nói "không" với những cuộc gọi ngoài giờ làm việc. Một người làm việc tự do không cần phải sẵn sàng 24/7 chỉ vì khách hàng thích gọi điện bất cứ lúc nào họ cảm thấy phù hợp. Những chi tiết này dù nhỏ, nhưng làm tốt nó sẽ giúp đời freelance của bạn ngăn nắp và thảnh thơi hơn nhiều. Và hẳn nhiên, giao tiếp hiệu quả mang lại kết quả tốt cho công việc.
Chọn làm việc tự do tức bạn đã chọn làm sếp của chính mình. Việc đặt ra nguyên tắc nói "không": Nói "không" với những dự án không phù hợp, nói "không" với yêu cầu đi quá giới hạn và nói "không" với việc giao tiếp vô tội vạ giúp bạn thực sự làm chủ công việc và thời gian, từ đó có một sự nghiệp hạnh phúc đúng như mong muốn.
Tổng hợp và lược trích từ cuốn sách "Khoảnh khắc người sáng tạo" của Donald Roos.