Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã mang đến hơi thở của thời đại cho dòng gốm Bát Tràng với dòng men mới và khát khao đưa di sản Việt đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
>>“Vua hài đất Bắc” Xuân Hinh say mê sự độc đáo của đồ thờ gốm men Hoàng Tộc
Với khát vọng tạo ra một dòng men mới của thế kỷ 21 trên gốm, Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã tạo ra trên mỗi tác phẩm của mình là một nét đẹp văn hóa mang âm hưởng của thiên nhiên với tâm hồn khoáng đạt của một người nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm đều thể hiện “chất” của thời đại trên gốm nhưng vẫn còn nguyên vẹn “hồn Việt” của làng gốm cổ truyền.
Nét hồn Việt trên gốm
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm tại Bát Tràng, Trần Đức Tân đã nuôi dưỡng ước mơ và sự sáng tạo từ thuở nhỏ, tự tìm kiếm, học hỏi và sáng tạo những sản phẩm gốm mới lạ với thương hiệu Gốm Đức Tân. Đến nay, trải qua hơn 30 năm trong nghề, anh vẫn giữ nguyên vẹn trong tâm trí mình một tình yêu với nét đẹp văn hóa dân tộc và thổi hồn cho gốm cái “mới”.
Nghệ nhân Đức Tân tâm sự: “Thế hệ chúng ta được kế thừa những gì của cha ông để lại, và còn cơ hội lớn hơn bởi chúng ta có một thế giới mở là truyền thông, là hội nhập. Với những doanh nhân và những người nghệ nhân gắn bó với gốm đều mang trong mình một niềm tự hào dân tộc khi nhắc đến hai tiếng Bát Tràng. Tôi lấy hai từ đó để xây dựng cái giá trị thương hiệu của một đất nước, đằng sau đó là những sản phẩm của chính mình. Và luôn tự hỏi mình sẽ làm ra những gì ở cái thời kỳ mới này”.
>>Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh
Làng nghề gốm Bát Tràng đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành một thương hiệu gốm nổi tiếng. Nghệ nhân Đức Tân cho rằng, tên tuổi của làng gốm đã tạo một tiền đề cho thế hệ các nghệ nhân trẻ, là một nửa của sự thành công khi được kế thừa và tiếp nối tổ nghiệp. Chính nghệ nhân là người phải sáng tạo, phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn nghề, phát triển nghề. Để hương thơm lan tỏa cái nghề của mình, cũng như để truyền lại cho các thế hệ sau. Giá trị sống còn làng nghề là trải qua hàng nghìn năm, các làng vẫn đang quanh năm nổi lửa và cung cấp những sản phẩm trong nước và quốc tế, đây vẫn là một giá trị vô hình mà không ai biết.
Khi kết nối với quá khứ, được truyền cảm hứng từ các câu chuyện, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa – lịch sử – ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương… cộng với quan điểm sáng tạo độc đáo, các nghệ nhân sẽ tạo ra các sản phẩm sáng tạo mới mang đậm chất văn hóa Việt. Và với nghệ nhân Tân, xem xét tính truyền thống làm nhịp cầu kết nối các giá trị mới, chứ không phải xem những sản phẩm làng nghề chỉ làm di tích của quá khứ. Anh đã khai thác giá trị vật thể và phi vật thể như phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, công trình kiến trúc như đường nét hoa văn ở trong các di tích lịch sử di tích lịch sử Thăng Long, hoa văn trong sách gốm cổ hoặc các hoa văn thời Lý, Trần… vào trong các thiết kế của riêng mình. Trong đó đã sử dụng các nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất truyền thống, các thiết kế sáng tạo sẽ góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa địa phương. Từ đó, trong suy nghĩ của một người yêu nghệ thuật, Nghệ nhân Trần Đức Tân đã sáng tạo ra một dòng men gốm mới, với các bài men độc đáo riêng có.
Khát khao tạo ra một dòng men mới của thế kỷ 21
Anh Tân bày tỏ: “Với vai trò là một nghệ nhân, để tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn đầy tính sáng tạo và khác biệt, tôi đã chế tác thành công các loại men gốm từ những nguyên vật liệu trong nước, quặng kim loại có trong lòng đất hàng triệu năm… tạo ra một bề mặt men tỏa sáng như ngọc, có thể biến đổi đa sắc tạo ra các hiệu ứng như ngũ hành, vũ trụ bao la, hoặc các hiệu ứng thấu quang trên bề mặt gốm có một không hai”.
Chia sẻ về kỹ thuật của bài men gốm độc đáo này, nghệ nhân Đức Tân cho biết: “Kỹ thuật phối trộn tỉ mỉ riêng biệt để tạo nên những màu sắc và hiệu ứng sống động trên bề mặt gốm trong quá trình nung đốt ở nhiệt độ cao từ 1200 đến 1300 độ C. Bề mặt các oxit tan chảy trong môi trường oxy hóa, một lượng lớn cacbon và các chất silic, kali… trong đất đá tạo ra bề mặt men tỏa sáng như ngọc. Kỹ xảo trang trí phủ men có thể biến đổi thành đa sắc tạo ra các hiệu ứng độc đáo”.
“Ý tưởng làm lên một bài men gốm giống như một bản dân ca đương đại, vẫn mang đậm nét truyền thống, nhưng khoác lên trên nó một chiếc áo mới, một kiểu dáng mới. Thiên nhiên ban tặng cho con người cái đẹp, và con người đang chép lại những cái đẹp đó, lấy cái thiên nhiên đó hiện hữu trong tác phẩm của mình. Tôi có một thông điệp nghề trong bài men gốm mới của mình chính là “Tinh hoa từ đất, sinh ra từ lửa”. Gốm được chọn lọc từ nguyên liệu là đất rồi được sinh ra từ lửa ở nhiệt độ cao, nhưng tinh hoa của đất là một thứ vô hình nhưng là thông điệp của cội nguồn, của văn hóa để tạo ra các tác phẩm. Và tôi mong rằng từ sự sáng tạo này sẽ tạo ra một dòng men gốm của thế kỷ 21 mang đậm âm hưởng của thiên nhiên hiện hữu” – Nghệ nhân Trần Đức Tân nhấn mạnh.
Anh cho rằng, sau sản phẩm gốm chính là văn hóa sống, là sự sống của con người, là thiên nhiên vạn vật của di sản văn hóa làng nghề. Và tính mỹ thuật càng cần được phát huy mang tính dân tộc, “mỗi tác phẩm gốm Đức Tân như được nhào nặn từ ý niệm, mỹ ý trong tâm, nó không chỉ mang lại giá trị tinh thần vô giá và còn là biểu trưng của lòng tự tôn dân tộc, hướng đến cái chân – thiện – mỹ”.
Có thể bạn quan tâm