Nghị định 40/2020/NĐ-CP: Thêm bệ đỡ cho đầu tư công

Huyền Trang 18/05/2020 05:30

Nghị định 40/2020/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ giúp nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công, một giải pháp hữu hiệu để lấy lại nhịp độ phát triển và tăng trưởng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm.

Chấm dứt câu chuyện muôn thủa

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng trước năm 2018 thì có tới hàng trăm dự án có vấn đề về kỹ thuật, không hiệu quả. Những tỉnh có số dự án thất thoát, lãng phí nhiều nhất là Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ngãi… Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công (ban hành năm 2014) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả ở các bộ, ngành, địa phương...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đầu tư công không hiệu quả, trong đó cơ bản nhất là hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, công tác quản lý đầu tư công lỏng lẻo. Đặc biệt, do chưa có quy định chặt chẽ trong vấn đề “đổi đất lấy hạ tầng” dẫn đến hiện tượng thông đồng, móc ngoặc, rút ruột công trình giữa các lực lượng chức năng, chủ đầu tư với nhà thầu để hưởng lợi. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, hối lộ, làm tha hóa cán bộ nhà nước, thúc đẩy chạy chức, chạy quyền; phá hoại nền tảng đạo đức và các giá trị của xã hội; là nguyên nhân để các thế lực thù địch khai thác, khoét sâu chống phá, nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

Nhưng, đáng nói giải ngân đầu tư công chậm vì rất nhiều nguyên nhân dường như đã trở thành “câu chuyện muôn thuở” trong những năm gần đây. Hết quý I/2020, giải ngân đầu tư công mới được hơn 61 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 13% kế hoạch được giao, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức rất thấp.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này đã được đưa ra, coi đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng và là yêu cầu cấp bách mà các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong năm nay. Thực tế, chúng ta cũng đã thấy có những hành động nhanh và quyết liệt hơn từ các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy đầu tư công. Như sự ra đời của Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công là một ví dụ điển hình.

Nghị định đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ nhưng đồng thời vẫn đảm bảo tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả.

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về 12 nội dung tại Luật Đầu tư công. Trong đó, quy định chi tiết về hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C. Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án; nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, B, C tại nước ngoài.

Nghị định cũng hướng dẫn về phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường để quyết định chủ trương đầu tư dự án. Quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng…

Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, quyết định đầu tư và tổ chức quản lý thực hiện theo quy định của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài áp dụng quy định tại Nghị định này và quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một nội dung áp dụng quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công

Bình luận về các quy định của Dự thảo lần này PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khẳng định Nghị định sẽ giúp quá trình giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhanh chóng, góp phần lấy lại nhịp độ phát triển và tăng trưởng.

Ở góc nhìn dài hạn hơn, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công thì một trong những vấn đề quan trọng là hoạt động phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn nên linh hoạt và kịp thời. Bởi như kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 cho thấy, hiện giờ là đã là năm cuối của kế hoạch rồi nhưng hoạt động phân bổ vốn vẫn chưa đáp ứng được. Ví dụ như câu chuyện về dự án y tế cơ sở, dù đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn này nhưng do chưa có phân bổ vốn nên cũng không thể giải ngân được.

“Thời điểm này là thời điểm chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, do đó những dự án nào đã nằm trong kế hoạch 2016-2020 mà chưa thực hiện được cũng cần được cân nhắc chuyển sang kế hoạch 2021-2025 và làm rõ việc phân bổ vốn sẽ thế nào, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng việc giải ngân của kế hoạch 2021-2025. Và cần xác định giai đoạn 2021-2025 là thời điểm phục hồi kinh tế sau dịch nên là giai đoạn rất quan trọng”, chuyên gia này khuyến nghị.

Một yêu cầu quan trọng khác là cần quyết liệt hơn với những vấn đề như liên quan đến đấu thầu, quá trình giải ngân, giải phóng mặt bằng chuẩn bị dự án… vì nếu không thì những vấn đề đó sẽ vẫn luôn luôn là những yếu tố gây ra ách tắc, trì trệ và từ đó dẫn đến vấn đề đội vốn, kéo dài thời gian của dự án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam gần 5 năm qua cao một phần quan trọng là nhờ đầu tư cho cơ sở hạ tầng tốt của giai đoạn trước đó (2011-2015). Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực và bị hạn chế rất nhiều bởi không được tạo đà của cơ sở hạ tầng khi đầu tư và giải ngân đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng quá chậm trong giai đoạn 2016-2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhóm cổ phiếu nào hưởng lợi từ đầu tư công?

    04:30, 16/05/2020

  • “Sóng” đầu tư công phớt lờ chất lượng tài chính doanh nghiệp

    09:00, 15/05/2020

  • Thứ trưởng Bộ KH & ĐT: Giải ngân vốn đầu tư công 2020 sẽ đúng tiến độ

    00:20, 08/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị định 40/2020/NĐ-CP: Thêm bệ đỡ cho đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO