Nghỉ hưu: Hiểu sao cho đúng?

NGÔ TỰ LẬP - Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQG Hà Nội 07/03/2021 04:30

Vấn đề tuổi nghỉ hưu, sau một thời gian gây tranh cãi khi có đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã được Quốc hội quyết định bằng Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14.

Bộ luật Lao động này được thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2021 (dưới đây xin được gọi là Bộ luật Lao động), theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 62 với nam và 60 đối với nữ.  

 Việc bắt buộc lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn so với lao động nam là sự phân biệt đối xử về giới, dựa trên sự diễn giải sai các quy định của Bộ luật Lao động. Ảnh: Q.Tuấn

Việc bắt buộc lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn so với lao động nam là sự phân biệt đối xử về giới, dựa trên sự diễn giải sai các quy định của Bộ luật Lao động. Ảnh: Q.Tuấn

Tuy nhiên, căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan chức năng và cả các ý kiến trên báo chí, chúng tôi vẫn thấy có tình trạng diễn giải sai các quy định của Bộ luật Lao động. Trên thực tế, sự diễn giải sai này đã tồn tại từ lâu, và nếu tiếp tục tồn tại sẽ dẫn đến việc áp dụng sai, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới được quy định trong Hiến pháp và vi phạm chính các quy định của Bộ luật Lao động.

Bình đẳng về quyền được làm việc

Trong các quyền của người lao động, quan trọng nhất là quyền được làm việc. Sự bình đẳng nam nữ đối với quyền được làm việc được Bộ luật Lao động thể hiện rất rõ tại Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động: “1. Người lao động có các quyền sau đây: a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.

Bộ luật Lao động dành toàn bộ chương X cho “Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới”.

Điều 135. Chính sách của Nhà nước: “1. Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”; và Điều 136. Trách nhiệm của người sử dụng lao động: “1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác”. Nội dung của tất cả các điều luật này có nghĩa là quyền được làm việc của nam và nữ là như nhau.

Được về hưu hay phải về hưu?

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, tại Điều 169 Bộ luật Lao động quy định:

“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu;

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Rõ ràng, Bộ luật Lao động chỉ quy định tuổi được về hưu, chứ không quy định tuổi phải về hưu. Nghĩa là khi đã đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm, nếu người lao động có nguyện vọng, họ có thể - nhưng không bị bắt buộc phải - nghỉ hưu ở tuổi 62 (với nam) và 60 với nữ. Với cách hiểu đúng như vậy, quy định tuổi được nghỉ hưu của nữ thấp hơn thể hiện sự ưu tiên của xã hội đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, những quy định này của Bộ luật Lao động đang bị diễn giải theo hướng sai lầm, đó là bắt buộc người lao động phải về hưu ở tuổi 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Lối diễn giải này dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với lao động nữ, làm giảm cơ hội cống hiến và tiến bộ của phụ nữ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bình đẳng giới được Hiến pháp bảo hộ và được quy định chính trong Bộ luật Lao động.

Trong trường hợp tuổi nghỉ hưu theo của Bộ luật Lao động được diễn giải là “tuổi phải nghỉ hưu”, để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, tuổi phải nghỉ hưu của mọi lao động cũng phải như nhau (chẳng hạn là 62). Khi đó, mọi lao động phải nghỉ hưu ở độ tuổi 62, nhưng xã hội có thể thể hiện sự ưu tiên đối với phụ nữ bằng việc quy định quyền của phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn (chẳng hạn ở tuổi 60) nếu họ có nguyện vọng.

Tăng tuổi nghỉ hưu là một chủ trương đúng, và đó điều không một quốc gia nào có thể lẩn tránh. Bởi lẽ, tuổi thọ của con người ngày càng cao. Tuổi nghỉ hưu thấp khiến cho tỷ lệ người nghỉ hưu so với những người làm việc tăng lên nhanh chóng, gây lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn, tạo nên gánh nặng đối với nền kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh quốc gia. Những điều này đặc biệt đáng lưu tâm đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi chúng ta đang phải huy động mọi nguồn lực để lao động, sản xuất nhằm phát triển đất nước.

Ngô Tự Lập - Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQG Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghỉ hưu: Hiểu sao cho đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO