Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI giữ vai trò “nòng cốt”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 14/10/2023 04:36

VCCI có công lao rất lớn trong việc soạn thảo và giải trình với Bộ Chính trị về Nghị quyết 41. VCCI là “nòng cốt” trong việc triển khai Nghị quyết.

>>Nghị quyết 41-NQ/TW - “kim chỉ nam” để doanh nghiệp “nâng tầm”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh với DĐDN về Nghị quyết 41 - NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

-Trong 7 nhóm nhiệm vụ, Nghị quyết 41 có nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

VCCI có công lao rất lớn trong việc soạn thảo và giải trình với Bộ Chính trị về Nghị quyết 41. Như vậy, VCCI giữ vai trò đặc biệt quan trọng và là “nòng cốt” trong việc triển khai nghị quyết này. Do đó, Nghị quyết 41 đề ra phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là hoàn toàn đúng và tôi hoàn toàn ủng hộ.

Tất cả các công việc triển khai Nghị quyết 41 giao cho VCCI là đúng vai trò của mình. Bởi VCCI là cơ quan do Đảng, Nhà nước và Chính phủ lập ra, quy tụ và đại diện cho tất cả các hiệp hội doanh nghiệp.

Nghị quyết 41 rất có ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp vì đã có định hướng, công việc tiếp theo là phổ biến Nghị quyết 41 đến từng chi bộ. Thời gian tới VCCI cần chủ động phối hợp với các hiệp hội, cơ quan ban ngành để thực hiện nghị quyết này.

- Nghị quyết 41 có bổ sung thêm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ông đánh giá như thế nào về trọng trách này đối với cộng đồng doanh nghiệp?

Đảng đã giao nhiệm vụ lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây vừa là danh dự, nhiệm vụ nhưng cũng là quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết 41 cũng khẳng định niềm tin của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh sự tin tưởng vào vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp cống hiến cho đất nước, Đảng còn giao nhiệm vụ đối với cộng đồng doanh nghiệp là phải có những đóng góp lớn hơn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, Nghị quyết 41 đã “nâng tầm” cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với Đảng và nhân dân.

>>Nghị quyết 41-NQ/TW - “kim chỉ nam” để doanh nghiệp “nâng tầm”

>>Nghị quyết 41-NQ/TW – nức lòng doanh nhân

Nghị quyết 41 cũng có bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Quan điểm không hình sự hoá quan hệ kinh tế đã có từ trước đây. Đảng và Nhà nước bao giờ cũng kêu gọi không hình sự hoá quan hệ kinh tế. Nhưng thế nào là vi phạm kinh tế? Như thế nào là chỉ có vi phạm về kinh tế? Vấn đề này các cơ quan chức năng phải định nghĩa, đồng thời phối hợp cùng với các hiệp hội và Chính phủ làm rõ và cụ thể hơn, để doanh nghiệp nhận biết được ở mức độ nào thì không vi phạm hình sự.

Việc Nghị quyết 41 bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế là tầm nhìn của Bộ Chính trị. Còn việc cụ thể hoá để phân biệt thế nào là các vi phạm kinh tế nhưng không hình sự hoá thì phải làm rõ với các cơ quan chức năng.

Ví dụ, doanh nghiệp "móc ngoặc" với những người có chức, có quyền để “giải bài toán” kinh tế của mình bằng việc đưa hối lộ cho quan chức thì không thể không hình sự. Do đó, quy định này phải rất cụ thể, doanh nghiệp vi phạm kinh tế thuộc vào điều luật nào thì phải bóc tách rõ.

- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để Nghị quyết 41 sớm được luật hóa, đi vào các hoạt động của đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam?

Thứ nhất, Nghị quyết phải sớm được tuyên truyền và phổ biến sâu rộng ý nghĩa, nội dung. Trong đó, VCCI đóng vai trò "nòng cốt" tập hợp các hiệp hội doanh nghiệp để tuyên truyền.

Thứ hai, các hiệp hội phải có nghĩa vụ tuyên truyền đến tất cả các chi hội, các doanh nghiệp thành viên.

Thứ ba, các bộ ngành có liên quan đến Nghị quyết 41 phải có ý kiến để chuyển từ nghị quyết sang thực thi với tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Nghị quyết không thể quy định từng nội dung cụ thể, để Nghị quyết 41 trở thành hiện thực thì phải có những chương trình, kế hoạch của Chính phủ, địa phương…

Thứ tư, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các Hiệp hội nghề nghiệp… cùng phối hợp với VCCI để triển khai Nghị quyết 41. Cộng đồng doanh nghiệp phải trở thành đầu mối trong việc phối hợp này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết 41-NQ/TW - “kim chỉ nam” để doanh nghiệp “nâng tầm”

    05:00, 12/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW – nức lòng doanh nhân

    17:02, 11/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI giữ vai trò “nòng cốt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO