Nghị quyết số 43/2022/QH15: Phân bổ vốn chậm vì vướng quy trình, thủ tục

NGUYỄN VIỆT thực hiện 26/05/2024 03:30

Gói chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 giải ngân thấp, vì mặc dù được hỗ trợ nhưng lại kèm điều kiện phải có khả năng phục hồi.

>>Cần đứng từ góc độ doanh nghiệp để hiểu hơn họ muốn gì

GS, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

- Theo đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn đã đề ra. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy còn những khó khăn, bất cập, hạn chế trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 43 và một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó một số chính sách chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết 43.

Nghị quyết 43 đưa ra kỳ vọng tăng thêm lượng vốn đầu tư để phục hồi nền kinh tế, gồm các dự án như dự án giao thông, dự án trọng điểm, các chương trình hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực cần ưu tiên phục hồi.

Về cơ bản, nhiều dự án đã được thực hiện các cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, cho phép khai thác các mỏ vật liệu mà không cần phải xin phép… Chính vì vậy, tốc độ giải ngân của nhiều dự án trọng điểm được triển khai khá tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những dự án thuộc các lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực trọng điểm, như y tế, giáo dục, đầu tư mua sắm… vẫn còn vướng mắc thủ tục hành chính.

Đến thời điểm thực hiện giám sát thì có nhiều nguồn vốn chưa được giải ngân, mới đang trong giai đoạn thẩm tra dự án để hoàn thiện thủ tục. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải xem lại các quy định mang tính chất thủ tục cho việc triển khai dự án đầu tư đang còn bị kéo dài.

 Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện Yên Thủy, Lạc Sơn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện Yên Thủy, Lạc Sơn.

- Cụ thể, những vướng mắc đó là gì, thưa ông?

Trong lĩnh vực mua sắm, đầu tư cho y tế, giáo dục có nhiều yếu tố như định mức về kinh tế, kỹ thuật, các đơn giá chưa có quy định cụ thể, trong khi lại chưa trao quyền quyết định cho những cơ quan đầu tư.

Việc này dẫn đến câu chuyện đùn đẩy trách nhiệm, hỏi ý kiến các cơ quan bộ ngành khi đưa ra phương án định mức kỹ thuật, đơn giá từ đó dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị cho các dự án đầu tư.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được đánh giá là kỳ vọng lớn của Nghị quyết 43. Chúng ta mong muốn, với sự hỗ trợ 40.000 tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng tín dụng để phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này rất thấp, thậm chí không đáng kể. Nguyên nhân, hỗ trợ 2% lãi suất cho các đối tượng doanh nghiệp nhưng lại kèm điều kiện phải có khả năng phục hồi.

Trong khi, sau đại dịch Covid-19 đã có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và khả năng phục hồi trong ngắn hạn của nền kinh tế lại chưa nhìn thấy rõ. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn đang vướng vào các nguồn vốn vay cũ chưa hoàn trả. Do đó, điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay này không cao.

Mặt khác, dù được hỗ trợ lãi suất 2% nhưng các thủ tục về thanh tra, kiểm tra hậu quá trình giải ngân cũng khiến cho doanh nghiệp e ngại. Như vậy, từ điều kiện tiếp cận đến nhu cầu tiếp cận đều bị hạn chế, từ đó dẫn đến quá trình giải ngân thấp.

>>Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 43

- Từ thực tiễn trong quá trình giám sát, ông có thể chỉ ra những bài học từ việc thực hiện Nghị quyết 43?

Thời gian qua, có những ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân cao, nhưng cũng có ngành, địa phương thấp. Ở đây có thể một phần vì vướng cơ chế chính sách, phần khác do chính các cơ quan thực thi có dám chịu trách nhiệm hay không? Có dám vượt qua yếu tố rào cản chính sách nhưng không ngược chính sách? Có thực sự năng động, vận dụng và dám chịu trách nhiệm trong quyết định của mình?

Nếu các ngành, địa phương dám chịu trách nhiệm thì triển khai rất nhanh những thủ tục cần triển khai dự án cũng như quá trình thực hiện giải ngân. Ngược lại, cơ quan nào chỉ vì nhìn thấy chính sách chưa rõ ràng thì e ngại, trông chờ, xin ý kiến cơ quan cấp trên. Thậm chí xin rất nhiều ý kiến của các cơ quan, ban, ngành cùng cấp thì chương trình, dự án đó sẽ bị chậm. Điều này cho thấy, tư duy dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm hiện nay vẫn chưa được nhân rộng ở các cơ quan ban, ngành, địa phương.

“Nút thắt” dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo là phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến việc ở một nơi nào đó, hoàn cảnh nào đó những quy định hiện hành không còn phù hợp, cần có sự sáng tạo nhưng người mong muốn năng động, sáng tạo lại không dám thực hiện. Nếu dám thực hiện, quyết tâm thực hiện thì sẽ phải đối mặt với rủi ro. Đây là vấn đề chúng ta phải tính đến.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chất vấn lĩnh vực ngân hàng: Triển khai Nghị quyết 43 chậm sẽ làm giảm ý nghĩa chương trình

    12:00, 08/06/2022

  • Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15: Vẫn dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”

    09:29, 02/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết số 43/2022/QH15: Phân bổ vốn chậm vì vướng quy trình, thủ tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO