Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa như kỳ vọng

NGUYỄN VIỆT 26/05/2024 00:30

Việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, đây là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.

>>Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 43

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về việc tiến độ giải ngân nhiều dự án không đạt yêu cầu tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, chiều 25/5.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 43 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên, do thời gian xây dựng và thực hiện chương trình ngắn nhưng lại có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng. “Kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội về kết quả giám sát của Đoàn giám sát, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 do kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị…

“Với vai trò là thành viên Chính phủ tôi đã chứng kiến sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên để cố gắng thực hiện các chương trình, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Sau khi có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31/2022/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Thống đốc Ngân hàng nhà nước khẳng định, chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương.

>>Chất vấn lĩnh vực ngân hàng: Triển khai Nghị quyết 43 chậm sẽ làm giảm ý nghĩa chương trình

>>Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15: Vẫn dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết đây là một trong những chương trình của Nghị quyết 43/2022/QH15. Ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.

Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ.

“Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Vẫn theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước, trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn, nhưng quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ có doannh nghiệp và người dân. 

“Chính sách không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp mới đi vay, mà quyết định của doanh nghiệp vay để làm gì và có khả năng trả nợ nay không”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 43

    02:14, 24/05/2024

  • Chất vấn lĩnh vực ngân hàng: Triển khai Nghị quyết 43 chậm sẽ làm giảm ý nghĩa chương trình

    12:00, 08/06/2022

  • Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15: Vẫn dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”

    09:29, 02/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO