Mọi thứ có thể thông qua hình thức trực tuyến, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là ngoại lệ?
Mùa hè mười lăm năm trước, tôi bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, kỳ thi quan trọng đầu tiên trong đời, để khởi đầu hàng loạt kỳ thi sau này, trước khi kết thúc sự nghiệp đèn sách bước ra đời kiếm cơm.
Ngày ấy, sát trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nhà trường cho học sinh làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng; đỗ tú tài là điều kiện quyết định để được tham gia kỳ thi tiếp theo. Người xưa nói, học tài thi phận. Vậy nên, bất kể học lực ra sao, ước mơ thế nào, chỉ cần sơ suất nhỏ trong kỳ thi này đều công cốc hết.
Một thập kỷ rưỡi, kỳ thi tú tài nhiều lần thay đổi, từ riêng lẻ cho đến gắn vào đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng, đó là cải tiến táo bạo, rất lớn và hiếm hoi của ngành giáo dục. Tầm quan trọng của nó là được gắn thêm đuôi “Quốc gia”.
Kỳ thi “2 trong 1” bắt đầu từ năm 2015, sau ngần ấy năm, vẫn còn hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu cho rằng, nên quay về như cũ, tức là thi tốt nghiệp riêng, đại học cao đẳng thi riêng; một bộ phận phụ huynh học sinh ưa thi gộp để tiết kiệm thời gian.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, ngay trong năm đầu tiên áp dụng thi gộp, một thí sinh ở Hà Tĩnh phải thuê xe… cấp cứu ra Hà Nội để rút hồ sơ từ trường này nộp sang trường khác trước giờ chốt sổ. Mấy năm sau, quy trình “nộp - rút” là thứ được nói đến nhiều nhất trong mỗi kỳ thi.
Hình ảnh hy hữu này phần nào phản ảnh một mảng tối trong giáo dục bậc cao, tuyển chọn nhân lực, nhân tài ở nước ta, thi cử, bằng cấp - thực sự quá khắc nghiệt, đặt ra yêu cầu phải thay đổi.
Nhưng, cứ một kỳ thi trôi qua, lại thêm một lần dư luận đặt ra câu hỏi, phải làm sao để kỳ thi đầu vào của các trường đại học, cao đẳng không còn là một “cuộc chiến” tiêu tốn rất lớn nguồn lực vật chất lẫn tinh thần.
Trong bối cảnh dịch dã diễn biến phức tạp, từ năm ngoái, đã có quan điểm bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì theo luật giáo dục 2014: “Học học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2021 đã đến, TP HCM trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, nhiều địa phương đứng trước nguy cơ lây lan mạnh. Yêu cầu giãn cách, chống dịch thật tương phản với không khí đông đúc náo nhiệt của một kỳ thi thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Tính chất ngặt nghèo của thi cử ở Việt Nam không cho phép áp dụng bất cứ ngoại lệ nào, nó hoàn toàn không tương thích với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin - đang được áp dụng rất rộng rãi trong đời sống hàng ngày.
Nên hay không bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, hoặc áp dụng một ngoại lệ nào đó chưa từng có tiền lệ? Học online được, tại sao không thể thi online? Các nguyên thủ hàng đầu thế giới có thể bàn đại sự bằng hình thức trực tuyến, vì sao không tổ chức được một kỳ thi qua Internet?
Nhưng, điều cần thay đổi trước tiên là thái độ khách quan về kỳ thi này, vì thi mà 95-99% đỗ thì kỳ thi không mang lại ý nghĩa nào cả. Liệu rằng, nó còn quan trọng nữa không khi các trường đại học cao đẳng đủ sức tổ chức chuyển chọn sinh viên!
Đây là vấn đề lớn nhưng rất cần giải quyết sớm, bởi không ai chắc sang năm 2022 sẽ hết dịch, thậm chí loài người phải sống chung với COVID-19 và vẫn phải chạy đua không ngừng nghỉ với các biến chủng của nó.
Có thể bạn quan tâm
Bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia 2020: Vấn đề không đơn giản!
06:15, 12/04/2020
Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Từ bài học cũ để kỳ vọng vào sự thành công!
05:30, 25/06/2019
EVNCPC bảo đảm cấp điện ổn định cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019
09:36, 19/06/2019
Tân Hiệp Phát tiếp sức cho các sĩ tử trong kỳ thi THPT quốc gia
14:13, 25/06/2018