Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cảng biển thời điểm này là chưa phù hợp thậm chí trái với Chỉ thị số 11/CT-TTg về ổn định mức giá dịch vụ trong giai đoạn hiện nay.
LTS: Mức giá dịch vụ cảng biển hiện tại đã phù hợp hay chưa? Làm sao để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp xuất khẩu, vận tải và doanh nghiệp kinh doanh logictics?
Chia sẻ với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định,đề xuất điều chỉnh tăng giá sàn dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển là không phù hợp.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn, thưa ông?
Mức giá hiện tại được coi là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam để thu hút tàu trọng tải lớn. Bằng chứng là thời gian vừa qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng khi sản lượng tăng trưởng trung bình 13%/năm. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng rằng đề xuất tăng giá tối thiểu 10% ở đây là so với mức tối thiểu, nói dễ hiểu thì các doanh nghiệp cảng biển đang đề xuất tăng giá sàn – tức mức giá tối thiểu cho dịch vụ bốc dỡ container tại cảng.
Bản thân Hiệp hội cũng có hai nhóm đối tượng chịu tác động từ đề xuất này. Theo đó, các doanh nghiệp cảng biển sẽ được hưởng lợi từ đề xuất này.
Đáng nói, phần lớn hơn là các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ gồm doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ chịu tác hại lớn khi đối mặt nguy cơ bị các hãng tàu tăng phụ phí THC (Phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng). Đây là loại phí làm hàng tại cảng được các hãng tàu căn cứ giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng.
- Tác động của đề xuất này tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là gì, thưa ông?
Việc tăng biểu giá dịch vụ bốc dỡ chưa lường trước hệ lụy các hãng tàu quốc tế sẽ tăng cước vận tải hay các loại phụ phí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng Việt.
Trên thực tế, các hãng tàu nước ngoài đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nhiều khoản phụ thu, trong đó giá THC rất cao, là 114-173 USD/container (tùy 20 feet hay 40 feet). Nếu giá dịch vụ bốc dỡ container tăng có thể kéo theo hiệu ứng domino khiến các hãng tàu tăng phụ phí THC từ 10-15%. Thực tế chúng ta vẫn chưa kiểm soát được việc tăng phụ phí của các hãng tàu.
Theo ước tính của chúng tôi, với mức tăng tối thiểu 10% như đề xuất, tương đương tăng giá 3-5 USD/teu cho năm đầu tiên và 10-15 USD/teu sau năm thứ ba tùy vào khu vực cảng thì Chính phủ có thể thu được thuế thu nhập doanh nghiệp ước tính là 1 USD/TEU (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa theo container), trong khi doanh nghiệp chịu thêm ít nhất là 10/TEU thậm chí là 15 USD/TEU. Mức chênh lệch này nhân với con số 15 triệu container vào các cảng Việt Nam mỗi năm tính ra phát sinh chi phí cho doanh nghiệp thêm 150-225 triệu USD, tương đương 3.400-5.100 tỷ đồng. Đó là chưa kể mức tăng THC sẽ phản ánh vào phí THC cho hàng lẻ (LCL) với mức khuếch đại cao hơn, có thể lên tới 1.5-2 lần, với mức phí này, mỗi chủ hàng phải trả thêm hàng chục tỷ đồng/năm.
Vì vậy, đề xuất tăng phí bốc dỡ cần được đánh giá một cách thận trọng. Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cảng biển thời điểm này là chưa phù hợp thậm chí trái với Chỉ thị số 11/CT-TTg về ổn định mức giá dịch vụ trong giai đoạn hiện nay.
- Vậy ông có đề xuất giải pháp cho những khó khăn mà các cảng biển lấy làm căn cứ đề xuất tăng giá?
Phải hiểu đúng rằng đề xuất của doanh nghiệp cảng biển ở đây là tăng mức giá sàn – giá tối thiểu của dịch vụ bốc dỡ container. Nhưng theo Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, các doanh nghiệp cảng biển hoàn toàn có thể tự điều chỉnh giá cao hơn mức giá tối thiểu mà không cần điều chỉnh Thông tư 54. Như vậy, đây rõ ràng là đề xuất không cần thiết, là nghịch lý.
Tuy nhiên, hiện tồn tại một thực tế, các cảng biển Việt Nam đều đang áp dụng mức giá bằng giá tối thiểu nhằm cạnh tranh để thu hút nguồn hàng vào cảng và năng lực đàm phán với các hãng tàu còn yếu.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề cốt lõi này, thay vì tập trung cạnh tranh vào giá rồi đề xuất tăng giá sàn thì các cảng hoàn toàn có thể tự nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng giá. Các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả phí cao hơn nếu dịch vụ các cảng biển tốt hơn, năng lực giải phóng hàng hoá nhanh hơn… điều này mang lại lợi ích lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
- Xin cảm ơn ông!
Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải VN (VISABA) vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), VCCI kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực các cảng biển khu vực 1 tăng 10% - 20% mỗi năm từ ngày 1.7.2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
Có thể bạn quan tâm