Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018 vừa được công bố cho thấy một nghịch lý khi hầu hết thành phố trực thuộc trung ương thuộc nhóm công khai chưa đầy đủ hoặc công khai ít.
Theo xếp hạng Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018, chỉ có 6 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ, 27 tỉnh công khai tương đối, 21 tỉnh công khai chưa đầy đủ và có 9 tỉnh thuộc nhóm công khai ít.
Đáng nói, trong nhóm công khai đầy đủ, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất góp mặt với 83,09 điểm.
Theo PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh và Chính sách (VEPR) các thành phố trực thuộc trung ương có những động thái rất khác.
Trong khi Đà Nẵng có tính ổn định cao ở mức tuân thủ và tính minh bạch thì Hà Nội, TP.HCM ở mức trung bình thấp.
Theo đó, sau nhóm các tỉnh công khai đầy đủ và nhóm công khai tương đối, phải đến nhóm thứ 3 – nhóm công khai chưa đầy đủ, cái tên Hà Nội, TP.HCM mới xuất hiện, đây cũng là những thành phố có mức chi tiêu ngân sách hàng năm lớn.
Một trong những thành phố trực thuộc trung ương khác là Hải Phòng lại xếp hạng cuối cùng với chỉ 5,14/100 điểm.
Theo đó, Hải Phòng được ông Thành nhận định là một trường hợp đặc biệt. Năm ngoái, Hải Phòng chỉ đạt 0 điểm, “không công bố một chút nào hết”, không theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai minh bạch các tài liệu liên quan đến ngân sách Nhà nước trên các phương tiện của tỉnh.
Năm nay, Hải Phòng cải thiện một chút lên mức 5 điểm nhưng vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong 63 tỉnh thành. “Đó là hiện tượng đáng lưu ý đối với các tỉnh thành có tính đầu tàu trong cả nước”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số các tỉnh khác không phải lớn nhưng tính tuân thủ và tính thực hiện lại rất cao cũng như có sự thay đổi lớn như Kon Tum hay Hậu Giang.
Như vậy, còn đến 32 tỉnh thành nằm dưới mức xếp hạng trung bình, đứng đầu nhóm này là Hà Nội (49.72 điểm) và TP. HCM (48.98 điểm). Dù có nỗ lực rõ rệt nhưng vẫn còn khoảng 50% tỉnh thành cần tuân thủ và cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách tỉnh.
Kết quả khảo sát POBI 2018 về mức độ tham gia của người dân cho thấy nhìn chung, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 34,6 điểm.
POBI 2018 được thực hiện theo thang điểm với 4 mức. Mức A từ 75 - 100 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai “Đầy đủ”; mức B từ 50 - 75 điểm quy đổi là mức công khai “Tương đối”; mức C từ 25 - 50 điểm là mức “Chưa đầy đủ”; Mức D từ 0 - 25 điểm là mức “Công khai ít”. Kết quả khảo sát 63 tỉnh thành cho thấy, nhóm A gồm 6 tỉnh, trong đó đứng đầu là Vĩnh Long (90,52 điểm); nhóm B gồm 27 tỉnh đứng đầu là Trà Vinh (74,88 điểm); nhóm C gồm 21 tỉnh, đứng đầu là Hà Nội (49,72 điểm), TP Hồ Chí Minh (48,98 điểm); nhóm D gồm 9 tỉnh, Hải Phòng đứng ở mức thấp nhất (5,14 điểm). Xét từng vùng, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt 60,9 và 59,16 điểm/100 điểm. Tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ 54,37/100 điểm, vùng Đồng bằng sông Hồng 50,55/100 điểm. Khu vực Tây Nguyên 46,3/100 điểm, vùng miền núi Bắc bộ 42,9/100 điểm, vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất chỉ đạt 40,33/100 điểm. |