Nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính

SÔNG HÀN 20/02/2022 08:08

Làm khoa học nghiêm túc thì lúc nào cũng khó hơn làm khoa học theo kiểu tài tử để có cái danh.

>>Quy định mới về đào tạo tiến sĩ: Vì sao nhiều tranh cãi?

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã công bố danh sách ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (PGS, GS) năm 2021. Theo danh sách này, có 378 ứng viên giáo sư, phó giáo sư của 28 ngành, liên ngành.

Một tiêu chí quan trọng là chất lượng của HĐCDGSNN cấp cơ sở và ngành. Ngoài việc sử dụng thông thạo tiếng Anh, các giáo sư trong hội đồng phải có bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI/SCOPUS. Quy định của Nhà nước về công nhận PGS, GS như thế nào thì đa số giảng viên sẽ phấn đấu như thế.

Do “luật chơi quyết định cách chơi”, khi thay đổi luật theo hướng tăng số bài ISI/SCOPUS lên thì cũng sẽ có một bộ phận không nhỏ tìm đủ mọi cách không hay ho gì để theo luật mới. Thị trường mua bán bài vở ISI/SCOPUS sẽ nhộn nhịp hơn.

Một hệ quả có thể thấy, số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên được hội đồng ngành, liên ngành đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2021 tăng phi mã so với hồ sơ ứng viên năm 2020.  Và câu chuyện về ông Ng.M.T - ứng viên liên ngành Triết học – Xã hội học – Chính trị học đang là tâm điểm của dư luận là minh chứng.

Hẳn những ai từng quan tâm đến vấn nạn xuất bản khoa học “rởm” hay hiện tượng “tập san săn mồi” (predatory journals) thì không ngạc nhiên khi thấy sự việc xảy ra. Ngay từ đợt xét duyệt chức danh năm những năm trước, cũng có những trường hợp ứng viên GS, PGS có bài báo công bố trên những tập sản xuất bản phi chính thống hay cũng có thể nói là “rởm”.

Trụ sở Hội đồng Giáo sư nhà nước - Ảnh: T.L

Trụ sở Hội đồng Giáo sư nhà nước - Ảnh: T.L/TTO

>>Luẩn quẩn chuyện đào tạo tiến sĩ?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, có hai khả năng chính khiến họ làm như vậy: Hoặc là họ không biết nên vô tình đăng bài trên các tạp chí này; hoặc họ biết đó là các tạp chí có vấn đề nhưng vẫn đăng bài để đủ thành tích làm hồ sơ GS, PGS.

Cần phải xem xét chuyện này giống như chuyện “bán bài”. GS Ngô Việt Trung, thành viên hội đồng ngành toán học nêu quan điểm: “Nếu hội đồng liên ngành chỉ xử lý bằng cách không tính điểm cho các công trình đó là không được. Cần phải xem xét chuyện này giống như chuyện “bán bài”. Có như thế thì việc nhà khoa học Việt Nam gửi đăng bài ở các tạp chí quốc tế mạo danh mới chấm dứt trong những năm sau”.

Liên quan đến vấn đề này, PGS Trần Anh Tuấn - Chánh văn phòng HĐ CDGSNN nói: “Quan điểm của HĐ CDGSNN là mỗi năm nâng cao chất lượng ứng viên được xét dần lên, hướng tới hội nhập quốc tế, đề cao tính công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên. Trong quá trình xét của các HĐ ngành, HĐ CDGSNN cũng đã chỉ đạo các hội đồng ngành chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên…”

Dĩ nhiên, chúng ta cần nhìn nhận khách quan, công bằng và ứng xử văn minh đối với các sai sót trong khoa học, và những người liên quan cần có đính chính hoặc lời xin lỗi công khai, kịp thời. Nó sẽ giúp chính các nhà khoa học trong cuộc lấy lại sự tôn nghiêm và uy tín của bản thân, nhận lại sự tin tưởng từ đồng nghiệp lẫn xã hội.

Cũng khách quan mà nói, chức danh PGS, GS là một chức danh để để ghi nhận một người là chuyên gia của một lĩnh vực nào đó ở khu vực hàn lâm. Các trường đại học phải có một tỷ lệ PGS, GS đủ lớn, để tạo uy tín của khoa và người dạy đối với người học. 

Và không thể áp đặt tư duy của khoa học tự nhiên và kỹ thuật vào các ngành ngành khoa học xã hội và nhân văn, bởi thông thường ngành kinh tế chẳng hạn không quan tâm đến số lượng xuất bản nói chung (mà chỉ quan tâm đến số lượng những nghiên cứu chất lượng cao).

Tức là, không nên đề cao thái quá ISI/SCOPUS, vì các ngành khoa học xã hội cũng như kinh tế học…, rất khó để có bài báo công bố trên tạp chí, tập san chính thống.

Nhưng, ISI/SCOPUS lại là điều kiện cần và đủ, là yếu tố cần thiết để xác định chất lượng của mỗi ứng viên một cách toàn diện nhất. Nên mọi sự dối trá trong học thuật dường như khó chấp nhận và ít nhiều nó làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân lẫn đơn vị mà ứng viên công tác. Đó là chưa nói đến những hệ quả xã hội khác mà nó mang lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Luẩn quẩn chuyện đào tạo tiến sĩ?

    05:00, 29/11/2021

  • Đào tạo tiến sĩ: Muốn hội nhập thì phải nói “ngôn ngữ” quốc tế!

    04:00, 26/07/2021

  • Quy định mới về đào tạo tiến sĩ: Không lo “hạ chuẩn”?

    05:00, 16/07/2021

  • Quy định mới về đào tạo tiến sĩ: Vì sao nhiều tranh cãi?

    06:31, 15/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghiên cứu khoa học cũng cần sự liêm chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO