Việc thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu khoa học trong các trường đại học nhằm tăng cường giá trị và tác động của nghiên cứu đối với nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp.
Chiều ngày 22/11, Trường Kinh tế - Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) và BK Holdings đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học” nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao tri thức từ môi trường học thuật ra thị trường, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
Hội thảo khoa học “Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học” được tổ chức sẽ giúp làm cầu nối quan trọng giúp các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và giảng viên của trường chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp và định hướng phát triển bền vững cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở giáo dục đại học đến các doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga - PGS.TS, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là những yếu tố quan trọng nhằm khẳng định sứ mạng của các trường đại học, đặc biệt là Trường Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp. Với nguồn tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu, các trường đại học có thể trở thành môi trường lý tưởng, cung cấp đủ nguồn lực để phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ và hình thành những mô hình kinh doanh mới.
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình này tại các trường còn gặp nhiều thách thức. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Trường Kinh tế nói riêng và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói chung đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhất để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Chia sẻ thêm về quan điểm sâu sắc về tầm quan trọng của việc thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ trong các trường đại học hiện nay, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám Đốc BK-Holdings, đã nhấn mạnh rằng để tối ưu hóa giá trị từ các nghiên cứu và phát triển, các trường đại học cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và có chiến lược cụ thể, phù hợp với từng trường hợp của các trường.
Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu không chỉ đơn thuần là việc bán sản phẩm, mà còn là quá trình tạo ra giá trị từ những nghiên cứu khoa học. Trong khoảng một thập kỷ qua, sứ mệnh thứ 3 - đổi mới sáng tạo đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các trường đại học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trường đại học vẫn chưa thực sự hiểu rõ về đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc chỉ dừng lại ở những hoạt động bề nổi như các cuộc thi khởi nghiệp mà không có chiến lược dài hạn, không áp dụng được nhiều trong thực tế và chưa phát triển thành những sản phẩm thương mại giá trị.
Để thành công trong việc thương mại hóa, các trường cần xây dựng một tổ chức hỗ trợ chuyên biệt. Thay vì chỉ sử dụng các phòng ban hiện có như phòng Khoa học & Công nghệ, Đoàn thanh niên hay CLB Khởi nghiệp sinh viên, ông Dũng khẳng định rằng cần có một bộ phận được giao trách nhiệm rõ ràng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Ông cũng chia sẻ thêm về các mô hình tổ chức quốc tế đã và đang thành công trong quá trình thúc đẩy thương mại hóa, từ đó rút ra bài học cho các trường đại học Việt Nam. Việc xác định rõ sứ mệnh thứ ba - đổi mới sáng tạo - là rất quan trọng, vì nó không chỉ giúp tạo ra môi trường khoa học công nghệ năng động mà còn thu hút giảng viên tài năng và nguồn vốn đầu tư.