Nghiên cứu - Trao đổi

Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân: Đảm bảo an ninh năng lượng

Gia Nguyễn 21/10/2024 04:30

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh, theo chuyên gia, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng...

Theo đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ngày 19/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII.

nghien-cucu-phat-trien-dien-hat-nhan-24.2.1.1.jpg
Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt thời gian vừa qua - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, yêu cầu về nghiên cứu phát triển điện hạt nhân không phải vấn đề mới mà đã liên tục được đề cập suốt thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ngày một gia tăng.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ giúp bổ sung nguồn điện nền, mà còn giảm thiểu rủi ro về môi trường.

Theo ông Phạm Quang Minh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO2 theo các cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), chuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết.

Trong đó, xu thế của nhiều nước hiện nay là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện. Điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió) sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới.

nghien-cucu-phat-trien-dien-hat-nhan-24.2.1.2.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ giúp bổ sung nguồn điện nền, mà còn giảm thiểu rủi ro về môi trường - Ảnh minh họa: ITN

Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

“Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Như vậy, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn”, ông Phạm Quang Minh đánh giá.

Đồng thời cho rằng, trong trường hợp khởi động lại các dự án điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước. Đồng thời, là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước như cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim…

“Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thấy rằng việc nghiên cứu, xem xét khởi động lại các dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Phạm Quang Minh chia sẻ.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, muốn tiến đến net zero, bắt buộc phải làm điện hạt nhân. Bởi, than và khí không đủ, phải nhập khẩu, phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới, thủy điện phát triển hết mức, nhiệt điện than tiến tới không đầu tư thêm nữa và giảm phụ thuộc dần, điện mặt trời và gió không ổn định. Vì thế, nguồn điện nền ngoài điện khí, có nguồn điện hạt nhân trong tương lai khi điện than giảm mạnh là cần thiết.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến cho Dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII hồi đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã tính đến phương án tăng phát triển điện mặt trời, nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.

Theo đó, Bộ Công Thương chỉ rõ, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện.

Đồng thời cho rằng, với lợi ích, điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ (bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống), cộng với việc nhiều nước đang triển khai nguồn điện này, thì việc Việt Nam nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô-đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.

Được biết, tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chuẩn bị được đưa ra xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây cũng đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo Dự thảo, điện hạt nhân là một trong số loại năng lượng mới. Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng dự án điện loại này, bên cạnh các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp, điều độ hệ thống điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân: Đảm bảo an ninh năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO