Nghiên cứu - Trao đổi

Khởi động lại chủ trương phát triển điện hạt nhân: Việc làm cần thiết

Gia Nguyễn 25/09/2024 04:00

Theo các chuyên gia, việc khởi động lại chủ trương phát triển điện hạt nhân là cần thiết, bởi đây là yếu tố bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia…

Theo đó, tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi mới đây, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới…

“Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường”, kết luận của Chính phủ nêu.

khoi-dong-lai-chu-truong-phat-trien-dien-hat-nhan-24.1.2.jpg
Chính phủ vừa qua đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới - Ảnh minh họa: ITN

Trên thực tế, trong giai đoạn 2010-2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành đầu tư 2 dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt. Các đối tác Nhật Bản và Liên bang Nga đã hỗ trợ khảo sát, đánh giá tiền khả thi và dự toán kinh phí đầu tư cho mỗi dự án khoảng 30 triệu USD…

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 Quốc hội đã dừng thực hiện chủ trương đầu tư các dự án điện hạt nhân kể trên, đồng thời, không đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII và chỉ xem xét đầu tư vào giai đoạn sau 2030 sau khi cân đối các yếu tố nhu cầu và chi phí tối thiểu…

Do đó, trước chỉ đạo về việc khởi động lại chủ trương phát triển điện hạt nhân, các chuyên gia đều cho rằng, đây là việc làm cần thiết, là yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia…

khoi-dong-lai-chu-truong-phat-trien-dien-hat-nhan-24.1.1.jpg
Theo các chuyên gia, việc khởi động lại chủ trương phát triển điện hạt nhân là cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Theo TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tại COP28, nhiều nước ủng hộ điện hạt nhân nhằm giúp cân bằng giữa việc khử carbon chống sự nóng lên của trái đất và vấn đề an ninh năng lượng.

Biến đổi khí hậu với xu thế nóng ấm toàn cầu và ô nhiễm môi trường đang làm thay đổi cơ cấu nguồn điện. Năng lượng tái tạo được ưu tiên, nhiệt điện than đang giảm dần và bị hạn chế mạnh, đặc biệt ở các nước tiên tiến, thậm chí ngay cả Trung Quốc, Ấn Độ... điện hạt nhân vận hành an toàn là nguồn điện không phát thải khí CO2, không gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, đây là một lựa chọn tốt trong thời gian tới, song song với năng lượng tái tạo.

Dẫn chứng về thực tế phát triển điện hạt nhân của Nhật bản, TS Trần Chí Thành cho hay, Việt Nam đã đầu tư phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhưng số sử dụng công suất thấp, có đặc tính không ổn định, nên sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn này ít hơn khoảng 4 lần so với các nguồn điện ổn định nói trên. Tính không ổn định sẽ làm cho hệ thống điện mất cân bằng và có thể dẫn đến sự cố, nếu mất điện sẽ làm các cơ sở cần dùng điện ổn định bị thiệt hại nhiều.

Trong khi đó, một số ngành như sản xuất chip là ngành mà Việt Nam đang hướng tới, khi sản xuất cần điện năng ổn định trong thời gian dài, nếu điện không ổn định, các mẻ sản xuất sẽ bị hỏng và thiệt hại là rất lớn, đến hàng chục triệu USD. Điện hạt nhân là nguồn điện ổn định, công suất lớn.

“Theo tôi, phát triển điện hạt nhân là cần thiết cho một hệ thống điện ổn định. Và trong tương lai, đó không chỉ là điện năng, mà là tiềm lực của một đất nước”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, muốn tiến đến net zero, bắt buộc phải làm điện hạt nhân. Bởi, than và khí không đủ, phải nhập khẩu, phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới, thủy điện phát triển hết mức, nhiệt điện than tiến tới không đầu tư thêm nữa và giảm phụ thuộc dần, điện mặt trời và gió không ổn định. Vì thế, nguồn điện nền ngoài điện khí, có nguồn điện hạt nhân trong tương lai khi điện than giảm mạnh là cần thiết.

Được biết, tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang lấy ý kiến cũng đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, điện hạt nhân là một trong số loại năng lượng mới. Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng dự án điện loại này, bên cạnh các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp, điều độ hệ thống điện.

Thẩm tra sơ bộ về Dự thảo Luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu cơ bản. Trong bối cảnh thế giới đang quay trở lại đầu tư, việc phát triển nguồn năng lượng này trở nên quan trọng. Mặt khác, điện hạt nhân được xem là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt mục tiêu net zero vào năm 2050, như cam kết của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường, quy định về điện hạt nhân trong Dự thảo Luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Các quy định nguyên tắc về loại nguồn điện này cần được dẫn chiếu tới Luật Năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ triển khai các dự án điện hạt nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi động lại chủ trương phát triển điện hạt nhân: Việc làm cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO