Bình luận

Sửa Luật Điện lực: Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Yến Nhung 09/09/2024 00:20

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới. Dự thảo gồm 9 chương, 119 điều có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và thực tiễn cuộc sống.

cungungdien (1)
Dự án Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới - Ảnh minh họa: ITN

Một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm của các địa phương, hiệp hội, đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia là vấn đề quy hoạch và phát triển lưới điện cấp tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, hiện nay, theo Luật Quy hoạch, quy hoạch điện lực được thể hiện ở 4 quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch tích hợp (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh) và 1 quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch phát triển điện lực). Với đặc điểm các quy hoạch tích hợp và quy hoạch cấp quốc gia, không thể đưa các thông tin quá chi tiết, cụ thể vào 4 quy hoạch trên.

Theo ông Thắng, việc Ban soạn thảo cố gắng đưa các thông tin chi tiết vào các quy hoạch trên có thể dẫn tới không phù hợp với quy hoạch tích hợp và quy hoạch cấp quốc gia. Việc đưa thông tin quá chi tiết có thể dẫn tới thông tin không chính xác, phải điều chỉnh. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt rất khó khăn.

“Do vậy, Ban soạn thảo nên đưa vào Luật Điện lực (sửa đổi) quy hoạch điện lực cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và sửa Luật Quy hoạch (bổ sung vào phụ lục II mục Quy hoạch điện lực cấp tỉnh)", chuyên gia này đề nghị.

Về phạm vi quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, TS. Hoàng Văn Thắng đề nghị, Ban soạn thảo ghi rõ quy mô dự án nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Vì thường trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (như quy hoạch Điện VIII) không ghi danh mục các dự án nguồn điện quy mô nhỏ mà chỉ ghi tổng công suất của các nguồn này.

Tại Điều 9 của Dự thảo quy định phương án phát triển mạng lưới cấp điện là một nội dung trong quy hoạch tỉnh, bao gồm các dự án nguồn điện và lưới điện đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, lưới điện phân phối trên địa bàn, theo ông Thắng, quy định như trên là không đầy đủ và nên sửa đổi phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh là một nội dung trong quy hoạch tỉnh bao gồm các dự án nguồn điện và lưới điện đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; nguồn điện và lưới điện trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, về lập, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch (Điều 10), TS. Hoàng Văn Thắng cho rằng, UBND cấp tỉnh quyết định việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án nhưng không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất, thời kỳ quy hoạch đã được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh. Trừ trường hợp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép. Bởi ngay trong Quy hoạch điện VIII, lường trước một số bất cập khi thực hiện quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh được điều chỉnh một số nội dung.

1_cgah (1)
Sửa Luật Điện lực cần đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật - Ảnh minh họa: ITN

Đồng thuận với quan điểm trên và đóng góp thêm về phát triển mạng lưới điện cấp tỉnh, TS Trần Thanh Liễn, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho rằng, UBND cấp tỉnh quyết định việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án nhưng không làm thay đổi mục tiêu, thời kỳ quy hoạch và quy mô, tổng công suất thuộc trong giới hạn các kịch bản đề xuất đã được phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.

Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh phải đáp ứng quy định của Luật Quy hoạch và các nội dung chi tiết theo 2 giai đoạn thời gian trong kỳ quy hoạch 10 năm. Kế hoạch thực hiện quy hoạch cần chi tiết hóa các nội dung theo hai giai đoạn thời gian để tăng tính khả thi thực hiện.

Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu, nếu áp dụng nguyên tắc lấy Luật Điện lực làm chuẩn (như Dự thảo) sẽ không thống nhất với nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, các quy định về quản lý nợ công, các quy định trong Luật Đầu tư, các quy định trong Luật Đầu tư công…

Hơn nữa, không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát đảm tính thống nhất với Luật Quy hoạch, liên quan đến quy định tại Chương 2 về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện quy hoạch.

“Hoạt động quy hoạch trong Luật Quy hoạch bao gồm lập, thẩm định, quyết định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch… Tuy nhiên, Dự thảo tại Điều 10 chỉ đề cập đến việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực; Điều 11 dự thảo luật chỉ quy định về lập, phê duyệt, điều chỉnh, mà chưa quy định các bước theo quy định tại Luật Quy hoạch”, đại biểu lấy ví dụ

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án điện lực được nêu trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (khoản 2 Điều 10) và thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, cập nhật thông tin để đảm bảo thống nhất với thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Điện lực: Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO