Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Vẫn còn những băn khoăn

Khôi Nguyên 16/09/2024 11:00

Góp ý cho Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ vẫn còn băn khoăn về quy định đấu nối, giá mua bán điện và quy định về đầu tư dự án…

du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-van-con-nhung-ban-khoan-2.jpg
Nhiều ý kiến bày tỏ vẫn còn băn khoăn về giá mua bán điện. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được các doanh nghiêp đánh giá là đã đưa ra nhiều quy định nhằm xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Tuy nhiên, một số ý kiến cho biết vẫn còn băn khoăn.

Chia sẻ về nội dung này, bà Phạm Linh Ngân, Trưởng ban thư ký Nhóm công tác về điện và năng lượng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng cần làm rõ việc giá thắng thầu có phải là giá để ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN hay không? Hay chủ đầu tư phải thực hiện đàm phán lại giá mua bán điện với EVN sau khi thắng thầu?

“Chúng tôi cho rằng, nên áp dụng theo hướng giá thắng thầu là giá ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN và không thực hiện đàm phán lại”, bà Ngân kiến nghị.

Cũng góp ý cho dự thảo Luật, ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng cần bổ sung các quy định cụ thể cho phép nhà đầu tư thứ ba tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà thông qua các hợp đồng mua bán điện. Từ đó mới giúp doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo.

“Điều này rất cần thiết trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển đổi xanh. Nếu để một doanh nghiệp sản xuất tự đầu tư tự vận hành để phục vụ cho chính mình thì rất khó đáp ứng được”, ông An kiến nghị.

Còn băn khoăn về quy định đấu nối lưới điện, ông Phạm Đăng An cho rằng, Luật Điện lực sửa đổi cần chi tiết hóa vấn đề liên quan đến thủ tục đấu nối điện mặt trời mái nhà và các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo ông An, khi có quy định cụ thể sẽ đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các dự án năng lượng tái tạo.

du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-van-con-nhung-ban-khoan-1.jpg
Việc chi tiết hoá các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy cũng được các chuyên gia, đại biểu đánh giá là rất cần thiết. Ảnh minh hoạ

Trước đó, tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hồi đầu tháng 9 mới đây, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phát triển năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, giá điện, thị trường điện, hợp đồng mua bán điện...

Cụ thể, quan tâm đến phát triển điện mặt trời mái nhà, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết, hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu và hệ thống lưu trữ năng lượng đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Do đó, nhiều ý kiến tại hội thảo đã đề xuất cơ quan soạn thảo cần có chính sách rõ ràng về năng lượng điện này như phân rõ cấp độ đối với hệ thống mặt trời áp mái tự sử dụng, tự sản tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính.

Đồng thời, cần nhấn mạnh hơn về việc hợp tác đa bên dành cho điện mặt trời mái nhà. Dự thảo đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng cần bổ sung các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, cho phép các nhà đầu tư thứ ba tham gia thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển dịch xanh.

Ngoài ra, việc chi tiết hoá các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy cũng được các chuyên gia, đại biểu đánh giá là rất cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các dự án năng lượng tái tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Vẫn còn những băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO