Để giúp điều hành giá điện được công bằng hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa quy định giá điện 2 thành phần vào trong nội dung Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)…
Theo đó, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 Chương và 130 Điều, tăng 60 Điều so với Luật hiện hành. Sự gia tăng này được cho chủ yếu là các quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện cạnh tranh.
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề giá điện, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã thể chế hóa chính sách liên quan như cơ cấu biểu giá điện, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho các dự án, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
Cụ thể, so với Luật Điện lực 2004, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định, cập nhật để giải quyết các vướng mắc về bù chéo giá điện trong thời gian qua. Trong đó, Dự thảo đã bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của các đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực, có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện. Đồng thời, sửa đổi các nội dung về thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Các đề xuất chính sách này được cho đã có nhiều chuyển biến so với luật hiện hành, tuy nhiên, để giúp điều hành giá điện được công bằng hơn, nhiều ý kiến cho rằng, phải minh bạch các thành phần trong cơ cấu giá điện và quy định rõ giá điện 2 thành phần trong luật.
Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), GS TS Trần Đình Long - Viện Điện lực Việt Nam lưu ý, dù có cơ chế mua bán điện trực tiếp, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện. Do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh tại 3 khâu quan trọng gồm phát điện, bán buôn và bán lẻ.
“Hiện các đơn vị bán buôn điện đều thuộc các tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do vậy, Luật Điện lực sửa đổi cần thể hiện các quy định rõ ràng để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh…”, vị này bày tỏ.
Còn theo chuyên gia năng lượng - GS TS Bùi Xuân Hồi, vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả. Trên thế giới, mỗi quốc gia có cách khác nhau trong tính giá điện, tuy nhiên, cách nào đi nữa cũng phải bảo đảm tính đúng, đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện.
Theo vị này, thông thường cơ cấu biểu giá đều mang 2 thành phần, gồm giá công suất (giá thuê bao) và giá điện năng. Trả tiền thuê bao xong rồi dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, tuy nhiên, hệ thống giá điện của Việt Nam hiện lại áp dụng giá bán lẻ điện bình quân. Muốn điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường, Luật Điện lực sửa đổi cần có quy định giá điện 2 thành phần; cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, cơ chế giá điện 2 thành phần mà Bộ Công Thương đang xây dựng, nếu được đưa vào Luật Điện lực sửa đổi, trong tương lai, sẽ giúp điều hành giá điện được công bằng hơn, bởi nó phản ánh chính xác chi phí ngành điện phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, như chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng. Từ đó, giúp người dùng điện biết được lượng điện mình sử dụng thế nào để điều chỉnh hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề giá điện, trước đó, thẩm tra Dự án luật Điện lực (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đã đề nghị Bộ Công Thương làm rõ một số nội dung về giá điện, về việc xóa bù chéo.
Theo cơ quan này, Dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) chưa làm rõ một số vấn đề liên quan giá điện, chưa có quy định, nguyên tắc minh bạch các thành phần của giá, trong đó bao gồm khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, xa. Các khoản này vẫn được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể và có lộ trình tiến tới lấy ngân sách để chi hoặc nguồn tài chính khác phù hợp để chi.
Tương tự, cơ cấu các nguồn điện cũng cần phải có chính sách hợp lý trong Luật Điện lực sửa đổi, có lộ trình giảm dần tiến đến xóa bỏ các dự án nguồn sử dụng công nghệ lạc hậu; có chính sách ưu tiên với dự án có đầu tư hệ thống pin lưu trữ phù hợp an toàn hệ thống điện và giá điện hợp lý.
Được biết, sau khi nghe trình bày tóm tắt về Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại phiên họp chiều ngày 21/10, theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật này.