Góp ý hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi, các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng.
Thực tế cho thấy. việc phát triển các dự án năng lượng xanh như điện khí LNG và điện gió ngoài khơi… theo định hướng của Quy hoạch Điện VIII đều đang gặp nhiều vướng mắc do thiếu hành lang chính sách cần thiết.
Mặc dù Bộ Công Thương (với tư cách là cơ quan chủ trì) đã triển khai xây dựng Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 28/3/2024 nhưng qua nghiên cứu, tổng hợp và so sánh với những định hướng, chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW, Quy hoạch năng lượng Quốc gia, Quy hoạch Điện VIII, nhiều ý kiến nhận thấy việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi vẫn tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc đối với các cấp quản lý, các chủ thể và nhà đầu tư trong chuỗi dự án.
Điều đó dẫn tới nguy cơ làm chậm và không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án nguồn điện trong ngắn hạn và dài hạn theo Quy hoạch Điện VIII. Vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc này, Luật Điện lực sửa đổi cần có các quy định cụ thể để tháo gỡ bài toán thị trường trong phát triển các dự án điện khí LNG, dự án điện gió ngoài khơi.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án mới. Đơn cử như việc thu hút chủ đầu tư vào các nhà máy sản xuất, chế biến, chế tạo có nhu cầu sử dụng điện đầu vào bảo đảm nguyên liệu xanh, sạch và bền vững. Bởi đây là một trong những tiêu chí bảo đảm cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Theo đó, Dự thảo cần sửa đổi, bổ sung thủ tục trong quy hoạch các dự án điện; cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cơ chế huy động vốn cho các dự án điện không có bảo lãnh chính phủ, bởi nhiều dự án lớn nếu phải tự thu xếp vốn và sử dụng vốn đối ứng để thực hiện, doanh nghiệp sẽ không đủ nguồn lực”, TS Nguyễn Hùng Dũng đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng ban Thương mại, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết, các dự án điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế trong giai đoạn thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi, hầu hết các nước trên thế giới đều xây dựng chính sách FiT (Feed-in Tariff) là mức giá được quy định và hỗ trợ bởi chính phủ hoặc cơ quan điều hành năng lượng để mua lại năng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo; sau đó sẽ thả dần giá điện gió ngoài khơi theo thị trường.
Với suất đầu tư điện gió ngoài khơi rất lớn với 1 GW tốn vài tỷ USD, nếu cơ quan quản lý không có cơ chế giá điện phù hợp hoặc chính sách khuyến khích ban đầu như miễn tiền sử dụng đất biển, vốn vay… thì sẽ khó triển khai được các dự án điện gió ngoài khơi theo định hướng trong Quy hoạch Điện VIII.
"Hiện Dự thảo mới đề cập nhưng chưa cụ thể", ông Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, theo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện gió ngoài khơi đến năm năm 2030 chỉ là 6.000 MW, đến năm 2050 là 70-90 nghìn MW, rất nhỏ so với tiềm năng khoảng 600 GW vào năm 2030. Vì vậy, Dự thảo cần bổ sung thêm quy định về xuất khẩu điện gió để đảm bảo hiệu quả của dự án.
“Đồng thời, việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi cần có sự đồng bộ trong quy định giao đất ngoài biển (xây trụ quạt gió) và giao đất tiếp bờ (xây trạm biến áp)”, chuyên gia này chia sẻ.
Liên quan đến các dự án điện khí, GS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính đưa ra một số kiến nghị để tháo gỡ các vướng mắc thực tế.
Theo chuyên gia này, Dự thảo cần có các quy định cụ thể về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và quy trình cấp phép nhanh chóng để khuyến khích đầu tư vào điện khí. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng cần quy định rõ về cơ chế giá mua điện từ nhiệt điện khí theo giá thị trường, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
“Luật Điện lực sửa đổi cần có quy định cụ thể về Kế hoạch phát triển nguồn điện sau khi xác định rõ tỷ trọng của nhiệt điện khí trong tổng thể quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia đến năm 2030, cần đưa ra lộ trình triển khai cụ thể. Đặc biệt, Luật sửa đổi cũng cần quy định rõ cơ chế phối hợp, trong đó thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để đồng bộ hóa các chính sách hỗ trợ điện khí”, GS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Được biết, Dự thảo sẽ được đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc vào ngày 21/10 tới đây.