“Ngộp thở” trong những chiếc hộp ngủ không thấy ánh mặt trời

PHƯƠNG UYÊN - KHÁNH LINH 15/11/2023 16:07

Mô hình hộp ngủ (sleep box) đã và đang đặt ra những lo ngại về an toàn cháy nổ và rủi ro sức khỏe của những người đang sinh sống tại đây.

>>> Rà soát hàng ngàn "hộp ngủ" tại TP.HCM

Chia nhỏ nhà, chung cư thành phòng trọ tại các thành phố lớn đã xuất hiện nhiều năm. Thế nhưng trong thời gian gần đây, hình thức này hoạt động chuyên nghiệp hơn với các loại hình ký túc xá, hộp ngủ trọn gói đáp ứng cho nhu cầu của nhiều sinh viên, người lao động.

Công năng “hộp ngủ" tại các nước trên thế giới 

Mô hình khách sạn “con nhộng" được phát triển lần đầu tiên vào năm 1979 bởi Kurokawa Kishō, kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật. Kishō bắt đầu với một khu chung cư tiên phong gồm các căn hộ con nhộng với ít tiện nghi, được gọi là Tháp Nakagin Capsule, được xây dựng trong 30 ngày.

Ông tiếp tục điều đó với khái niệm khách sạn “con nhộng” hiện đang phổ biến khắp nơi, dựa trên các nguyên tắc tối giản, giúp mọi người có thể lưu trú nếu lỡ chuyến tàu mà không mất quá nhiều chi phí. 

Một dãy hộp ngủ tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles (Ảnh: sưu tầm)

Một dãy hộp ngủ tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles 

Vào năm 2016, hộp ngủ (sleep box) có trụ sở tại Boston được thành lập vào năm 2016 bởi ba doanh nhân đến từ MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts). Lấy cảm hứng từ những khách sạn “con nhộng" tại Nhật Bản, mô hình hộp ngủ (sleep box) được đặt tại các sân bay trên thế giới. Những cabin này cho phép hành khách nghỉ ngơi từ 30 phút đến vài tiếng đồng hồ với đầy đủ giường, TV, Internet hay bàn làm việc. Thậm chí một số nơi còn có cả toilet, phòng tắm và phòng xông hơi. Phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của những người có thời gian chờ đợi dài hoặc muốn tránh xa tiếng ồn và đám đông.

Có thể thấy rằng, hầu hết tại các nước trên thế giới mô hình hộp ngủ (sleep box) đều chỉ được sử dụng khi khách hàng có nhu cầu lưu trú ngắn hạn. Chúng được đặt tại sân bay hoặc là những khách sạn có trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ. 

Nở rộ mô hình hộp ngủ “bao” dịch vụ 

Hộp ngủ (sleep box) ban đầu là dịch vụ tại sân bay, để khách nghỉ ngơi, làm việc thời gian chờ máy bay. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển nhanh chóng, không ngừng nghỉ của những thành phố lớn, với sự gia tăng đáng kể về số lượng sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm nhà trọ tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao khiến thị trường nhà trọ đang trở nên cực kỳ sôi động và cạnh tranh. Các khu vực phòng trọ tại khu vực trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,...  thường có giá giao động từ 4-5 triệu đồng/tháng, chưa tính các chi phí dịch vụ đi kèm. Vì vậy để giảm bớt chi phí ở trọ, sinh viên hay người lao động thường tìm những nhà trọ nhỏ, có giá rẻ để giảm bớt chi phí.

Giá thành rẻ, chưa đến 2 triệu đồng/1 tháng cho toàn bộ dịch vụ. Đó là ưu điểm nổi bật khiến "hộp ngủ" ngày càng nở rộ và trở thành một chọn lựa của nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên, người lao động nghèo. Khi được đưa về khai thác tại Việt Nam, nhằm tối ưu chi phí và diện tích. Nhiều chủ đầu tư thường cho thuê phòng trong thời gian dài (6-12 tháng) và được gọi với cái tên mỹ miều là ký túc xá kiểu mới. Những hộp ngủ này thường là một khoang ngủ vừa vặn cho một người ở, có giường đơn với kích thước khoảng 3m2 với chiều dài  chiều rộng 1m2, chiều cao 1m5. 

ên trong phòng trọ hộp ngủ với những tiện nghi tối thiểu (Ảnh: sưu tầm)

Bên trong phòng trọ hộp ngủ với những tiện nghi tối thiểu

Chỉ cần gõ từ khóa ‘sleep box’ sẽ có rất nhiều hội, nhóm trao đổi về mô hình thuê này. Ngoài các thông tin về giá cả, tiện ích đi cùng thì các bên cho thuê đều ‘bao thầu’ hết cả điện, nước và Wi-Fi. Bạn M. T. trường ĐH Sư Phạm, đang thuê một ‘sleep box’ gần trường cho biết vì trót nghe lời quảng cáo "có cánh" mà đã tin tưởng chi một khoản tiền đặt cọc luôn mà không suy nghĩ. 

Chỉ đến khi trải nghiệm cảm giác sống trong các hộp ngủ không khác gì bị đóng hộp, các tân sinh viên mới tá hỏa tháo chạy: “Với giá thuê 1,5 triệu đồng, mình không lo phát sinh thêm các chi phí khác. Nhà vệ sinh, nhà bếp, khu giặt máy, nhà giữ xe, tủ đựng đồ có chìa khóa riêng sẽ dùng chung. Có tiện lợi nhưng thật ra mình thấy rất ngột ngạt, phòng không có cửa sổ, nhiều khi bước vào phòng lại thấy những mùi kỳ lạ xộc lên mũi. Nếu không phải lỡ đóng cọc 2 tháng ở đây, mình đã chuyển đi từ lâu rồi.” - Mai Linh chia sẻ.

“Ngộp thở” trong những chiếc hộp

Vừa dẫn khách vào khu hộp ngủ, quản lý giới thiệu, chi nhánh này nằm trong trung tâm thành phố nên giá sẽ cao hơn các khu khác một chút. Nơi ngủ và nấu ăn được ngăn riêng biệt, máy lạnh bật 24/24. 

Tổng thể là một căn phòng rộng khoảng 4m, dài hơn 10m. Mỗi căn phòng tuỳ diện tích sẽ được bố trí 8-10 hộp ngủ/1 phòng. Các hộp được làm bằng gỗ, bên trong lót lớp đệm mỏng. Một hộp ngủ dành cho một người, dài khoảng 2m, rộng gần 1m, có một quạt mini hút gió từ ngoài vào, một ổ cắm điện để sạc thiết bị điện tử. Để đảm bảo riêng tư, hộp được thiết kế cửa kéo lùa, có chìa khoá riêng. 

Nhu cầu thuê chỗ ở tại các thành phố luôn cao, từ đó mô hình hộp ngủ mở rộng trong thời gian qua, dù loại hình này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cháy nổ

Nhu cầu thuê chỗ ở tại các thành phố luôn cao, từ đó mô hình hộp ngủ mở rộng trong thời gian qua, dù loại hình này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cháy nổ

Qua tìm hiểu, ngoài cơ sở cho thuê Phú Diễn, chủ nhà trọ còn có chi nhánh khác khắp thành phố (Lê Văn Hiến, Mỹ Đình, Cầu Giấy,... ). Anh N.L một khách thuê tại chi nhánh này cho biết, do làm việc ở gần đây và chỉ ở một mình nên anh thuê hộp ngủ cho đỡ chi phí. Mỗi ngày anh đi làm đến tối mới về, nơi này anh chỉ dành ngủ vào ban đêm. “Tiền nào của nấy, giá rẻ nhưng ở nhiều người, không gian chật hẹp cũng bất tiện. Nơi này chỉ có một cửa ra vào, nếu xảy ra cháy nổ thật nguy hiểm. Tôi chỉ ở tạm đây một thời gian rồi kiếm nơi khác thuê chứ không dám ở lâu.”

Theo ông Quốc, một nhà đầu tư nhiều năm trong lĩnh vực cho thuê bất động sản cho biết, mô hình này bắt đầu nở rộ trong khoảng 2-3 năm gần đây, bắt nguồn từ sự “sáng tạo" của các đơn vị cho thuê hoặc các chủ nhà nhằm tăng doanh thu. Trong giai đoạn này, khi giá cho thuê từng căn riêng lẻ đạt ngưỡng không thể tăng lên. Cách để tăng thêm nguồn thu là “chẻ nhỏ" căn phòng. Căn hộ chia càng được nhiều chỗ ngủ, lợi nhuận càng cao. 

Ví dụ, một phòng trọ cho thuê được với giá 6 triệu đồng, chưa tính điện, nước, giá dịch vụ. Nếu mỗi phòng chia 4-6 giường tầng hoặc hộp ngủ, nâng lên 8-12 người ở, doanh thu mỗi tháng có thể nhìn thấy là 12-16 triệu đồng mỗi tháng (với giá thuê 1,5 triệu đồng một tháng).

Luật Xây dựng 2014 đã quy định công trình xây dựng trong đó có nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị nhà ở phải có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng… PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết, loại hình hộp ngủ đang nở rộ ở TP.HCM và nhiều thành phố tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao. 

Nhiều người vì lợi nhuận đã sử dụng công trình nhà ở riêng lẻ hoặc thuê nhà có diện tích tương đối nhỏ rồi lắp vách ngăn tạo thành hàng chục khoang ngủ xếp chồng lên nhau, phục vụ cho thuê lưu trú, trong khi đó chỉ có một lối đi cũng là lối thoát nạn hẹp chưa đầy 1m. Trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra, hàng chục người sống bên trong tháo chạy qua một lối đi hẹp như vậy thì rất rủi ro.

Hơn nữa, những hộp ngủ này sẽ đấu nối thêm nhiều ổ cắm điện phục vụ nhu cầu sạc thiết bị điện tử của người thuê. Quá trình sử dụng nếu vô tình bị chập điện hoặc phát nổ, đặc biệt vào ban đêm thì rất nguy hiểm. Do đó, ông Xiêm cho rằng, loại hình cho thuê hộp ngủ này cực kỳ nguy hiểm.

Dẫu biết rằng, “có cầu ắt sẽ có cung" không phải ngẫu nhiên cả ngàn người chấp nhận ngủ trong một cái hộp kín bốn mặt hẹp 2 mét vuông. Chung quy lại là bài toán chi phí. Người nghèo, sinh viên không có nhiều lựa chọn với 2 triệu đồng dành cho việc thuê trọ. Song để đảm bảo cuộc sống của hàng ngàn con người, các quyết định cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích. 

Sau vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, UBND TP.HCM đã yêu cầu tổ chức tổng rà soát, kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở tập thể, chung cư cũ trên địa bàn. 

Sở Xây dựng TP.HCM ghi nhận tổng cộng 67 công trình nhà ở riêng lẻ có kinh doanh dạng "hộp ngủ" (sleep box) tại các quận 1, 3, 5, 8, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Nhà Bè và TP Thủ Đức. Thống kê cho thấy, có 58 công trình với tổng cộng khoảng 2.165 chỗ ngủ (9 công trình không được kiểm tra do chủ nhà đóng cửa).

Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đã có các văn bản đề nghị UBND các quận - huyện và TP.Thủ Đức rà soát thời điểm vi phạm, xác định hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

  • "Tay chơi" bất động sản Viva Land hiện ra sao?

    05:00, 15/11/2023

  • Tái cấu trúc thị trường vốn và hệ thống tài chính bất động sản

    Tái cấu trúc thị trường vốn và hệ thống tài chính bất động sản

    17:09, 14/11/2023

  • TPHCM chia 5 nhóm gỡ vướng các dự án bất động sản

    TPHCM chia 5 nhóm gỡ vướng các dự án bất động sản

    15:42, 14/11/2023

  • Tái cấu trúc thị trường vốn cho bất động sản

    Tái cấu trúc thị trường vốn cho bất động sản

    15:02, 14/11/2023

  • Nới điều kiện vay vốn bất động sản

    Nới điều kiện vay vốn bất động sản

    11:30, 14/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Ngộp thở” trong những chiếc hộp ngủ không thấy ánh mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO