Chính trị - Xã hội

Người chạy xe ôm có cần "thẻ hành nghề"?

Hà Thu 02/12/2024 14:30

Đề xuất của TP Hà Nội về việc người chạy xe ôm phải làm thẻ hành nghề khiến nhiều người băn khoăn.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

Theo dự thảo, đối với người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

xeom.jpg
Người lái xe ôm có cần thiết phải có thẻ hành nghề? Ảnh minh họa: INT

Dự thảo quy định người hành nghề xe ôm hay chở hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Căn cước công dân còn hiệu lực; Thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Đối với UBND xã, phường, ngoài việc đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện thì cơ quan này còn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.

UBND TP Hà Nội khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

Quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký.

Đề xuất của UBND TP Hà Nội đã khiến nhiều tài xế, chuyên gia băn khoăn liệu quy định này có cần thiết.

Là cá nhân bị tác động trực tiếp bởi đề xuất này, anh Nguyễn Văn Quân, tạm trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng yêu cầu tài xế xe ôm phải xin thẻ hành nghề từ xã, phường không chỉ phức tạp mà còn không thực sự cần thiết. Điều này có thể gây khó khăn, tốn thời gian cho người lao động, nhất là với những người xem xe ôm là nghề kiếm sống chính.

Theo anh Quân, với tài xế hành nghề xe ôm chỉ cần bằng lái và đảm bảo sức khỏe là đủ điều kiện để hành nghề. Do đó, anh đề xuất nên giữ quy định đơn giản, tập trung vào những yếu tố quan trọng như đảm bảo an toàn giao thông thay vì tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết.

mauthe.jpg
Mẫu thẻ hoạt động vận chuyển. Nguồn: UBND TP.Hà Nội.

Trong khi đó, Hoàng Văn Hoan, sống tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội - lái xe Grab cho biết thông tin của tài xế đã được hiển thị đầy đủ trên ứng dụng, bao gồm tên, hình ảnh, và thông tin liên lạc, đủ để khách hàng kiểm tra và đảm bảo an toàn. Nếu phải xin thêm thẻ hành nghề thực sự không cần thiết. “Theo tôi nên tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ và điều kiện làm việc hơn là đưa ra những yêu cầu hành chính không cần thiết”.

Năm 2019, ngành giao thông Hà Nội từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm nhưng sau đó không thực hiện.

Liên quan đến đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng việc quản lý tài xế bằng thẻ hành nghề cần đồng bộ với quy trình đăng ký kinh doanh. Theo ông, chỉ khi người lao động đăng ký ngành nghề kinh doanh thì mới có cơ sở để quản lý và cấp giấy phép hành nghề.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng chỉ ra thực tế rằng nhiều tài xế xe ôm, đặc biệt là các tài xế xe công nghệ, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ. Đây là hình thức mà người lao động tận dụng thời gian rảnh để làm việc và kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện hành chưa bắt buộc các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ phải đăng ký kinh doanh.

Do đó, ông Quyền cho rằng cân nhắc kỹ trước khi áp dụng yêu cầu cấp thẻ hành nghề, để tránh tạo thêm rào cản không cần thiết cho những người lao động trong nền kinh tế chia sẻ. Việc này cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ.

Ở góc độ người làm luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trong Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe máy chỉ cần mang theo các giấy tờ như bằng lái, giấy đăng ký xe, và bảo hiểm.

Luật sư Bình cho rằng nghề lái xe ôm hoặc chở hàng không có bất kỳ yêu cầu nào đặc thù hơn ngoài những quy định chung dành cho người tham gia giao thông. Do đó, việc bắt buộc cấp thêm thẻ hành nghề cho tài xế xe ôm, như đề xuất trong dự thảo, không có cơ sở pháp lý.

Luật sư Bình cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng việc hành nghề xe ôm không cần phải thực hiện thêm thủ tục đăng ký hay xin cấp thẻ. Ông cũng lo ngại rằng các thủ tục này có thể gây mất thời gian, phiền hà cho người lao động, và thậm chí làm gia tăng nguy cơ xuất hiện tiêu cực trong quá trình triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người chạy xe ôm có cần "thẻ hành nghề"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO