Người "chìm nổi" với “hạt ngọc” ngon nhất thế giới

KHÁNH HÀ 23/04/2021 03:14

Nổi tiếng là "cha đẻ" của loại gạo ngon nhất thế giới, thế nhưng ông Hồ Quang Cua đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu gạo do chính mình làm ra.

Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự. Đặc biệt hơn, gạo mang thương hiệu ST của ông đã chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới. Tuy nhiên, mới đây, thông tin về việc thương hiệu gạo ST25 đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ khiến dư luận xôn xao.

Tình yêu với cây lúa

Kỹ sư Hồ Quang Cua sinh ra ở xã nghèo thuần nông Hòa Đông, thị xã biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ của ông gắn liền với ruộng đồng, làng quê. Năm 1978, tốt nghiệp ngành trồng trọt Đại học Cần Thơ, tân kỹ sư Hồ Quang Cua trở về quê, nhận nhiệm vụ tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc nghỉ hưu.

Cha đẻ' gạo ST25 vẫn âm thầm nâng tầm gạo Việt

Cha đẻ' gạo ST25 vẫn âm thầm nâng tầm gạo Việt. Ảnh Nông nghiệp

Trong thời gian từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan cùng với nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ

Từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan.

Cũng trong thời gian này, người kỹ sư của đất Sóc Trăng có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình.

"Vào năm 1996, trong một lần tình cờ khi đang tham quan cánh đồng ruộng, ông bất ngờ phát hiện những cây lúa có hình dáng rất lạ và “không giống ai”, với gốc lúa đặc biệt là màu tím, hạt thì lại thon và rất đẹp" Kỹ sư Hồ Quang Cua kể

Khi bắt đầu thấy những cây lúa đó, ông Cua như người mới trúng số đặc biệt. Với ước mơ nâng tầm cây lúa Sóc Trăng, lại hay tìm hiểu về cây lúa từ thuở nhỏ, cộng với ông là người có tư duy nhạy bén, ông bắt đầu vào cuộc phát triển công công trình lai tạo, nhân giống. Và từ đó, hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST bắt đầu được ra đời.

Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Ông Cua cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được 2 giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không?

Cứ như thế, trong đầu tôi lúc nào suy nghĩ đến việc phát triển giống lúa thơm mới cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng được hình thành và tồn tại tới ngày hôm nay.

Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học. Việc lai tạo giống tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ. Nếu lấy mốc tận mục sở thị 2 giống lúa thơm mới ở Bangkok ngày 1/5/1998 thì đã hơn 20 năm. Còn nếu lấy mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm”.

Hành trình mang gạo Việt ra thế giới

Đúng 20 năm trước, giống lúa ST3 thơm, ngon được Bộ NN&PTNT xét đặc cách công nhận là giống lúa quốc gia. Đến nay, tuy ST3 đã kết thúc vai trò của nó nhưng nguồn gen thơm, ngon vẫn lưu truyền trong các giống lúa ST sau này, lần lượt được trình làng, tạo nên những điểm nhấn quan trọng, được thị trường đánh giá cao. Năm 2008, giống ST19, ST20 được thị trường ưa chuộng. Những năm tiếp theo là “đàn em” ST21, ST24, ST25… khiến dư luận ngỡ ngàng, thán phục.

“Giống lúa ST trồng ở đâu cũng được, đặc biệt là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đưa xuống đất mặn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, bán đảo Cà Mau đều tốt; đưa vào đất phèn Mộc Hóa, Kiến Tường của Long An cũng… tốt luôn”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ về sự có mặt của những “đứa con” mang tên ST của mình.

Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới và giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An năm 2018.

Vào năm 2019, tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World's Best Rice do The Rice Trader) tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10 - 13/11, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đã quy tụ về đây tranh tài.

gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019.

gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019. Ảnh Zing

Kết quả, gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019.

Gạo ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới.

Nói về “hoa hậu gạo 2019 - ST25”, ông Cua kể với quan điểm “chọn tạo giống ngon cho ra ngon, thơm cho ra thơm”, cả nhóm nghiên cứu của ông từ hơn 20 năm về trước đã tận lực tìm kiếm nguồn gen để lai tạo. May mắn, nhóm của ông có được nguồn gen từ giống lúa Tám Hải Hậu, có mùi thơm cốm, từ một dự án do Viện Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) tài trợ.

Sau khi được chiếu xạ từ Viện Nguyên tử Đà Lạt, giống này phân ly ra nhiều dòng khác nhau và đều thành giống lúa thơm ngắn ngày, năng suất dù rất thấp nhưng dễ lai tạo.

“TS Lê Xuân Thám đã mang bộ giống này xuống đồng bằng và đến vùng đất gần cuối đất nước hình chữ S mới có người nhận hợp tác. Cơ duyên đó đã tạo nên những giống lúa ST19, ST20 nổi tiếng một thời, sau khi dò dẫm đi sản xuất thử từ năm 2008. Từ công trình này, ông Trần Tấn Phương, một thành viên của nhóm nghiên cứu, đã bảo vệ xuất sắc luận văn tiến sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Hà Nội năm 2011.

Từ khi ST19, ST20 đưa ra sản xuất thử, chúng tôi đã đầu tư, chủ trì lai tạo nâng cấp và 11 năm sau giống lúa này đã được Bộ NN&PTNT công nhận” - kỹ sư Hồ Quang Cua kể.

Ông Cua tiết lộ hàng ngàn dòng lúa đã được phân tích mùi thơm, hàng trăm loại cơm đã được nếm thử và hàng ngàn tấn lúa đã được xay xát để tiến hành thăm dò ý kiến khách hàng. Cạnh đó, các cuộc thi nội bộ cũng được tổ chức sau từng vụ thu hoạch.

Không chỉ nghiên cứu lai tạo, nhân giống và quảng bá thương hiệu, kỹ sư Hồ Quang Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên mang ơn ông khi ông đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả tại huyện này và cho ra đời sản phẩm “gạo ngon - tôm sạch”.

Ông Cua còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “cơm nào ngon hơn”, “cơm ngon thương hiệu Việt”,... nhằm quảng bá cho lúa thơm ST.

Cần khẩn trương...

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngày 22.4, Cục đã đã kiểm tra thông tin liên quan việc doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Theo Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra".

Thứ nhất là nhãn hiệu "The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong", đăng ký ngày 22.10.

Nhãn hiệu thứ hai và ba chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18.6.2020 và 10.8.2020

Nhãn hiệu thứ tư và thứ năm do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" và "Vietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang" đăng ký ngày 31.7.2020 và 1.9.2020.

Theo ông Vũ Bá Phú, hiện thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất.

Phía Bộ Công Thương đã tư vấn cho doanh nghiệp ông Hồ Quang Cua để đăng ký thương hiệu ở Mỹ. "Ông Hồ Quang Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới".

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của gạo ST25 - cũng cho biết ông cùng nhiều bạn bè đang cố gắng để thực hiện các quy trình đăng ký thương hiệu.

“Tôi rất cảm ơn mọi người đã chia sẻ, hướng dẫn tôi thực hiện đăng ký thương thiệu gạo ST25 tại nước ngoài. Điều này cho thấy các bạn rất quý hạt gạo của Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng làm các bước thủ tục để đăng ký thương hiệu tại nước ngoài”, ông Cua chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Mai Hồ - nhân vật lọt Top 30 Under 30 Asia là ai?

    Mai Hồ - nhân vật lọt Top 30 Under 30 Asia là ai?

    12:51, 22/04/2021

  • Nữ doanh nhân Việt Lê Hàn Tuệ Lâm vừa lọt top 30 Under 30 Asia là ai?

    Nữ doanh nhân Việt Lê Hàn Tuệ Lâm vừa lọt top 30 Under 30 Asia là ai?

    04:00, 22/04/2021

  • Chuyện về

    Chuyện về "người lái đò" của Starbucks

    03:00, 20/04/2021

  • Đào Hồng Tuyển và những ý tưởng táo bạo

    Đào Hồng Tuyển và những ý tưởng táo bạo

    03:49, 18/04/2021

  • Điều ít biết về Tân Chủ tịch Thaiholdings

    Điều ít biết về Tân Chủ tịch Thaiholdings

    02:00, 16/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người "chìm nổi" với “hạt ngọc” ngon nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO