Thời gian qua, chuyện nông sản “được mùa rớt giá” và “được giá rớt mùa” đã trở thành bi kịch khiến cuộc sống của bà con nông dân quanh năm chìm trong nỗi lo ế, lỗ và nghèo. Điệp khúc ấy khiến cho nhiều người trong chúng ta, trong đó có các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải băn khoăn, suy ngẫm.
Người nông dân xã Tráng Việt ngậm ngùi vì củ cải không tiêu thụ được. Ảnh: Dân trí.
Mới đây, nghịch lý cung – cầu lại xảy ra với ngành nông nghiệp khi 80ha trồng củ cải, được cải tạo từ vùng cát trắng của người dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) bị ế ẩm. Đau lòng hơn là việc xe cộ tấp nập đến vận chuyển, nhưng không phải đưa đi tiêu thụ mà đi tiêu hủy.
Theo thông tin, ước lượng số củ cải bị thiệt hại do không tiêu thụ được, bị hư hỏng từ Tết Nguyên đán đến nay là 2.000 tấn. Hiện diện tích tồn đọng chưa tiêu thụ được còn 30ha, tương đương 3.000 tấn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 6 tỷ đồng.
Không chỉ ở huyện Mê Linh (Hà Nội), tại nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương… giá rau xanh đang xuống thấp chưa từng thấy khiến nông dân rơi vào tình cảnh điêu đứng. Nhiều người phải cắn răng bán rẻ dù biết thua lỗ, thậm chí có người bỏ rau ngoài đồng cho thối dần để làm… phân xanh, hoặc cắt bỏ cho bò ăn. Hiện giá bán tại ruộng mỗi bó cải lớn chỉ khoảng 1.000 – 2.000 đồng, bắp cải 3.000 đồng/bắp, su hào 10.000 đồng/6 củ…
Lạ kỳ ở chỗ, trong khi người nông dân trong nước khóc dở, mếu dở vì không tiêu thụ được nông sản thì trong 2 tháng đầu năm 2018, chúng ta vẫn nhập 3.000 tấn rau từ Trung Quốc, đây là nghịch lý nhiều người khó lý giải, một số ý kiến nghi ngại việc nhập rau từ Trung Quốc đã khiến cho giá rau trong nước sụt giảm.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Giá rau trong nước giảm mạnh không liên quan đến việc nhập khẩu rau từ Trung Quốc, tôi khẳng định điều này hoàn toàn không đúng. Việc nhập 3.000 tấn rau là không đáng kể so với lượng tiêu thụ trong nước”.
Ông Trung cho rằng, việc rau một số địa phương giá thấp hoặc rớt giá theo có thể do 2 nguyên nhân, thứ nhất do sự điều tiết của thị trường; thứ hai, do lượng cung trong nước quá nhiều so với nhu cầu trong một thời điểm nên thời điểm đó giá giảm.
Còn ông Trần Xuân Định - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thì cho rằng, sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân đồng loạt thu hoạch rau màu vụ đông cấp tốc để giành đất gieo cấy vụ lúa mới vì vậy nguồn cung tăng đột biến dẫn tới giá giảm. Một nguyên nhân nữa là do thời tiết, thời tiết vụ đông xuân năm nay thuận lợi để rau màu phát triển, nên năng suất tăng, khiến nguồn cung tăng.
Có thể nói, bao nhiêu năm qua, người nông dân quá khổ sở khi hàng nông sản của mình phải "bán rẻ như cho" tại ruộng, nhưng qua tay thương lái, đầu nậu để vào siêu thị giá lại tăng vọt là một cách không bình thường. Hoặc như bi kịch đói nghèo của nông dân ngay cả khi được mùa, do bí đầu ra, đành để hoa màu thối rữa tại ruộng, trở thành thức ăn cho bò, cho lợn cũng là điều khiến cho nhiều người cảm thấy xót thương.
Nguyên nhân của chuyện không vui này được các chuyên gia chỉ ra rất nhiều: Thị trường xuất khẩu đột nhiên không nhập hàng, thị trường trong nước bị dội hàng, nông sản chất lượng quá kém khiến người tiêu dùng bỏ chạy..v..v.
Nhưng một nguyên nhân khá quan trọng đó là việc người nông dân tham gia trồng cây theo kiểu phong trào. Hễ thấy mặt hàng nào có khả năng tiêu thụ với giá cao thì ‘rỉ tai’ nhau rồi đổ xô đi trồng. Cái bệnh “phong trào” nó vốn trầm kha trong cả xã hội Việt Nam, từ trong cuộc sống thường ngày tới việc làm ăn, nuôi trồng.
Trở lại với trường hợp "80ha củ cải" của người dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), dư luận có quyền hỏi rằng: Tại sao sự việc kéo dài từ Tết Nguyên Đán đến nay, nhưng cán bộ các bộ, ngành, sở liên quan lại không hề hay biết? Chỉ đến khi thông tin được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có Công văn số 2120/BNN-VP gửi các cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản yêu cầu xem xét, có biện pháp xử lý; báo cáo kết quả trước 19/3.
Còn các cơ quan, ban ngành của TP Hà Nội, mà trực tiếp là Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đã, đang làm gì với vị trí, vai trò của mình được giao phó? Xin hỏi, các vị đã phổ biến cho người dân về việc tính toán thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, chế biến sản phẩm nông nghiệp trước khi đưa ra thị trường như thế nào, cũng như việc khuyến cáo cho bà con nông dân trồng gì, không trồng nên trồng gì hay chưa?
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm trước dân? Tại sao chủ trương đưa ra từ lâu nhưng sau nhiều năm, chương trình liên kết 4 "nhà" (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) vẫn chưa thực sự cho hiệu quả như mong muốn”.
Chúng ta xin chia buồn với người nông dân, nhưng vẫn phải trách họ. Bởi vì cái quy luật thị trường đơn giản nhất là cung mà vượt cầu thì giá sẽ rớt thê thảm, mà hàng chục năm qua bà con dường như mãi không chịu nhớ. Và cũng không quên trách công tác quản lý, hoạch định chính sách chuyên ngành của các cơ quan chuyên ngành quá kém, đây là điều mà các vị “công bộc của dân” bấy lâu nay luôn lảng tránh không nói.
Tức là, cần phải thừa nhận cán bộ của dân vẫn chưa làm đầy đủ chức trách, trách nhiệm của mình với người dân, nên mới có chuyện bao nhiêu năm qua “sợi dây kinh nghiệm” rút hoài không hết và nó bây giờ chắc cũng dài không đo nổi.
Nếu vẫn để cho người nông dân “tự bơi” mà không có sự định hướng, để người nông dân vừa phải sản xuất, vừa phải đứng ra tiêu thụ sản phẩm, thì bài toán về đầu ra của nông sản sẽ không chỉ là vấn đề nan giải quẩn quanh với một vài thị trường quá quen thuộc khiến chúng ta bị động, lệ thuộc, mà còn khó tránh khỏi cảnh “trái ngang”: Mất mùa người nông dân “khóc”, nhưng đến lúc được mùa người nông dân vẫn cứ phải “đổ lệ”!
Những thực tế đau lòng trên cho thấy, chúng ta không thể mãi kêu gọi “giải cứu” nông sản cho người nông dân. Cũng không thể dựa vào một phương thức mua - bán hàng kiểu tình thương. Một nền sản xuất sẽ khó phát triển nếu chỉ nhờ vào tình thương và sự tương trợ. Nhất là với một đất nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có chất lượng như Việt Nam. Cần lắm một chiến lược tổng thể với những quy hoạch cụ thể cho từng loại nông sản của ngành nông nghiệp.
Đừng để người nông dân phải "khóc ròng" ngay trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình chỉ vì “được giá rớt mùa”. Đừng để họ phải lo "ngay ngáy" từng bữa cơm chỉ vì “được mùa rớt giá” ở ngay chính những cái nôi tạo nên cái mỹ từ “cường quốc nông nghiệp”.