"Nguy cơ có bệnh nhân trong cộng đồng ở Hà Nội rất lớn, bởi một số nơi có biểu hiện chủ quan lơ là, đặc biệt dịp nghỉ lễ sẽ đi lại, du lịch nhiều hơn, tập trung đông người."
Chiều nay (26/4), tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho hay, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến rất phức tạp.
Tại Hà Nội, 70 ngày không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng. Trong tuần, có 3 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về qua sân bay Nội Bài. Hiện, cả 3 trường hợp đã được cách ly y tế, xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.
Cả 30 quận, huyện của Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin đợt 2 cho hơn 34.000 người.
Ông Hạnh nhận định, nguy cơ có bệnh nhân trong cộng đồng ở Hà Nội rất lớn, bởi một số nơi có biểu hiện chủ quan lơ là, đặc biệt dịp nghỉ lễ sẽ đi lại, du lịch nhiều hơn, tập trung đông người.
"Nguy cơ với cả nước và Hà Nội là rất lớn. Giải trình mã gen virus ở Lào, Campuchia, Thái Lan đều cho thấy chủ yếu là biến thể virus ở Anh, ở Nam Phi, có tốc độ lây lan rất nhanh, nếu lây trong cộng đồng thì tốc độ rất nhanh khi tập trung đông người", ông Hạnh nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị TP cần siết chặt các biện pháp và phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Theo ông Hạnh, Sở Y tế sẽ thường xuyên rà soát các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất mở rộng các khu cách ly tập trung F1.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc, ô xy, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng lên ngoài khả năng tiếp nhận của bệnh viện tuyến T.Ư.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng lưu ý, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ hiện nay là "kinh hoàng", công tác điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á cũng rất phức tạp.
Ông Dũng nhắc lại thông tin Hà Nội đã trải qua 70 ngày không phát sinh ca mới ngoài cộng đồng, gây tâm lý chủ quan, lơ là của người dân. Đặc biệt, thời gian nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, dự tính, lưu lượng người Hà Nội đi du lịch các địa phương, về thăm quê rất đông, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
“Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện các quy định, biện pháp phòng chống dịch. TP thống nhất nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch của TP lên mức độ cao.
Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính, rà soát các điều kiện cần thiết để chuẩn bị. Thông tin cần thông suốt kịp thời, các ban chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất", ông Dũng đề nghị.
Phó Chủ tịch TP yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện việc kiểm tra các biện pháp khai báo y tế, nguyên tắc 5K, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người, các phương tiện giao thông công cộng.
"Một số địa điểm, các cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm, vào cuộc không thường xuyên, không nhắc nhở, không xử phạt người không đeo khẩu trang...", ông Dũng lưu ý.
Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu không được lơ là, bởi khi xảy ra thì hậu quả rất lớn. Vì vậy, cần sẵn sàng mọi phương án, khi có ca bệnh phải kiên quyết không để lây lan rộng, đảm bảo tập trung, tránh khoanh vùng quá rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Ông Dũng quán triệt, không phải ngày nghỉ mà không nghe điện thoại hay lơ là việc phòng chống dịch.
"Nếu có bất kỳ tình huống gì cần báo cáo Ban Chỉ đạo TP thì bằng mọi cách phải báo cáo, trong mọi thời gian, thời điểm. Nếu không báo cáo, không thông tin thì phải chịu trách nhiệm trước TP”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu hạn chế tổ chức các sự kiện nếu không cần thiết trong dịp này, đặc biệt là các sự kiện tập trung đông người. Nếu tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Công an TP chỉ đạo toàn ngành phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép, người nhập cảnh trái phép, đảm bảo an ninh cho các cơ sở cách ly.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch TP yêu cầu các đơn vị, địa phương phải rà soát, nắm số lượng các trường hợp tạm trú, tạm vắng, trở về TP sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế.
"Chúng ta có hồ sơ để xử lý các nội dung liên quan khi cần thiết", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, về công tác quản lý các khu du lịch trong dịp nghỉ lễ sắp tới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy ký văn bản số 1343 ngày 26/4 đề nghị tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lãnh đạo Bộ nhắc lại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khu vực, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép, đã xuất hiện tình trạng người dân lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trong dịp nghỉ lễ sắp tới, Bộ VHTTDL đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung về phòng chống dịch.
Các địa phương trước hết cần thực hiện nghiêm Công điện số 541/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, trong các hoạt động chính trị kinh tế xã hội nói chung, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân và du khách.
“Xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định”, lãnh đạo Bộ nhắc.
Lãnh đạo Bộ đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL tại Công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL ngày 09 tháng 11 năm 2020 để kết nối với hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia.
Các Ban Quản lý di tích, Bảo tàng, Ban Tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, khán giả đến rạp chiếu phim, khách tham quan bảo tàng, di tích - danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội, khách du lịch. “Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế”, lãnh đạo Bộ đề nghị.
Bộ đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; yêu cầu nhân dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, các khu, điểm du lịch; bảo tàng, hệ thống rạp chiếu phim, di tích, danh lam thắng cảnh; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội. “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương”, lãnh đạo Bộ nêu.
Có thể bạn quan tâm
15:30, 26/04/2021
14:26, 26/04/2021
14:05, 26/04/2021
13:57, 25/04/2021
13:16, 25/04/2021
10:34, 25/04/2021