Người dùng phải quét khuôn mặt khi đăng ký thuê bao di động mới với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông từ ngày 1/12.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, biện pháp này sẽ ngăn chặn hành vi mua bán thẻ sim cũ, đồng thời bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị đánh cắp danh tính. Trước đó, công dân nước này đăng ký thuê bao di động mới chỉ cần chụp ảnh và cung cấp bản sao chứng minh nhân dân. Theo SCMP, một số nhà mạng đã yêu cầu người dùng quét mặt trước khi quy định mới chính thức có hiệu lực.
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được áp dụng rộng rãi tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Từ ngày 28/11, Bắc Kinh cùng khoảng 10 thành phố khác của Trung Quốc đã triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt cho mạng lưới đường sắt ngầm. Công nghệ này cũng đã được ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán điện tử và giám sát an ninh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được thực hiện mà thiếu biện pháp bảo mật phù hợp. "Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong luật hình sự là chưa đủ", Lao Dongyan, Giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nhận định. "Chúng tôi gần như không biết liệu dữ liệu cá nhân đang được thu thập, lưu trữ và sử dụng có tuân thủ yêu cầu pháp lý hay không".
"Theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân cần sự chấp thuận của người dùng, nhưng thực tế, các công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được sử dụng rộng rãi trong khi người dùng hiếm khi biết về chúng", Giáo sư Dongyan nói thêm.
Ngày 30/11, CCTV, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc đưa tin, nhiều ứng dụng Trung Quốc đang thu thập trái phép dữ liệu nhận diện khuôn mặt mà không thông báo cho người dùng.
People’s Daily cũng cảnh báo về vụ rao bán công khai 5.000 dữ liệu khuôn mặt với giá chỉ 10 nhân dân tệ (tương đương 33.000 đồng). Trang tin này cho rằng người dùng "nên có quyền từ chối khi được yêu cầu quét khuôn mặt".
Giáo sư Dongyan cho biết: "Việc sử dụng dữ liệu khuôn mặt thu thập sai mục đích có thể tiềm ẩn mối hiểm họa lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc không có quy định về tội lạm dụng dữ liệu trong luật hình sự".
"Khi công nghệ này được sử dụng trên quy mô lớn, chúng tôi sẽ không còn nơi nào để trốn", Philip Xinrui, luật sư tại Bắc Kinh nói. "Rủi ro của các công nghệ nhận diện khuôn mặt là rất lớn và có ảnh hưởng sâu rộng".