Những câu chuyện ấm tình người làm cho mỗi chúng ta trở nên tĩnh tâm hơn trong những ngày "đại dịch" này.
Chiếc "bánh mì dinh dưỡng" và tấm lòng của ông chủ thương hiệu bánh ABC dành tặng cho các y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19; 35 tuổi nhưng đã 20 lần hiến máu tình nguyện, chàng trai trẻ ở tỉnh Quảng Trị khiến nhiều người phải thán phục; Tấm lòng thơm thảo của cụ bà 78 tuổi gom góp cùng cả nước một lòng chống dịch COVID-19; Không kỳ thị du khách nước ngoài, ứng xử chuyên nghiệp trong khủng hoảng là cơ hội để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi,...
Chiếc "bánh mì dinh dưỡng"
Trong mùa đại dịch Covid-19, ông Kao Siêu Lực – chủ thương hiệu bánh ABC chính là nguồn cảm hứng cho các nhiều doanh nhân – doanh nghiệp lấy động lực vượt qua ‘bão tố’.
Chiếc bánh mì đen có kèm thêm nhiều nguyên liệu tốt cho sức khỏe như hạt óc chó, nho khô, phô mai, khoai lang Nhật sấy dẻo và mè đen được ông Kao Siêu Lực đặt tên; "bánh mì dinh dưỡng".
Được biết, mẻ bánh đầu tiên gồm 3.000 chiếc ra lò vào ngày 23/3. Sau đó không lâu, 750 ổ bánh mì được chuyển tới đầu mối tiếp nhận và phân phối bệnh viện dã chiến tại Bình Dương và dự kiến sắp tới sẽ thêm bánh mì đến tay đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế ở các điểm khác, phục vụ sử dụng trong ngày.
Được biết, ông Kao Siêu Lực cũng chính là người đã "giải cứu" thanh long cho bà con Long và và Bình Thuận bằng món bánh giá trị tăng cao: bánh mì thanh long. Món bánh mỳ thanh long của "Vua bánh mỳ" Việt Nam cũng đã gợi cảm hứng cho một loạt các sản phẩm thanh long khác như pizza thanh long của Pizza Home hay burger thanh long của KFC.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
Khi cả đất nước đang gồng mình chống dịch, hình ảnh cụ bà 78 tuổi, ở một vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã cùng với bức thư và số tiền 1 triệu đồng để gom góp ủng hộ chống dịch COVID-19 đã làm nhiều trái tim phải lay động, cảm phục và thương mến.
Trong bức tâm thư bày tỏ những lời chân thành, mộc mạc của cụ Lê Thị Niệm, 78 tuổi trú tại thôn 3, Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) - một người vợ, người em, người mẹ của gia đình cách mạng, có chồng, em, con là liệt sỹ - đã tình nguyện gom góp một phần nhỏ bé của mình cùng cả nước một lòng chống dịch COVID-19.
Chia sẻ tình cảm của mình, bà Lê Thị Niệm cho biết: "Là một cựu Thanh niên xung phong, nghe lời hiệu triệu của Thủ tướng mà tôi cảm thấy sốt ruột lắm. Cả đêm tôi nằm thao thức không ngủ được. Mãi chiều 23/3 tôi mới lên xã và gửi nộp ủng hộ lại số tiền 1 triệu đồng cho Bí thư. Với lòng thành tâm quý mến con người, sự giáo dục của Đảng, gia đình chúng tôi nguyện còn sức còn làm. Gia đình tôi có chồng, em chồng là liệt sĩ, con trai, chị gái là tử sỹ. Mặc dù bây giờ tuổi già, sức yếu, không làm ra tiền của. Số tiền ít ỏi là tấm lòng thảo thơm con cháu cho, tặng, giờ đây tôi cũng dành lại để ủng hộ cho công tác phòng chống dịch.." – bà Niệm chia sẻ.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
Chàng trai trẻ "say mê" hiến máu nhân đạo
35 tuổi nhưng đã 20 lần hiến máu tình nguyện, anh Nguyễn Thành Trung (SN 1985) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị thường được mọi người trêu đùa là người “mê” hiến máu.
Anh Trung chia sẻ, năm 2007 anh còn là sinh viên theo học nghiệp vụ thanh vận tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) là lúc anh Trung tham gia hiến máu lần đầu tiên.
Anh Trung tâm sự, anh hay suy nghĩ về các hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp nguy cấp. Họ luôn luôn ở trong trạng thái cần được giúp đỡ, nên anh luôn ý thức rằng mình phải làm việc gì đó thực sự có ý nghĩa.
Từ đó, với tư cách là một Đảng viên, lại là người nhiệt huyết trong các phong trào, hoạt động tập thể nên anh Trung rất hứng thú với việc hiến máu nhân đạo.
Chỉ riêng thời gian ngắn anh theo học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tổng cộng anh Trung đã có 5 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Từ lúc anh Trung còn là cậu sinh viên 21 tuổi cho đến bây giờ anh công tác tại UBND xã Trung Giang thì thói quen hiến máu vẫn được anh duy trì.
Liên tiếp trong vòng 12 năm, anh đã hiến được 20 đơn vị máu và trở thành người hiến máu nhiều nhất của huyện Gio Linh.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
Xin đừng kỳ thị du khách nước ngoài
Thời gian qua, lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh COVID-19, một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ. Thậm chí, không ít nơi có những biểu hiện tiêu cực như tẩy chay, kỳ thị khách du lịch là người nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, phòng chống dịch là việc ưu tiên hàng đầu, nhưng nếu có cách xử lý chuyên nghiệp, có sự phối hợp giữa địa phương, DN gửi khách, thì mọi việc sẽ tốt hơn. Việc các địa phương, DN cung cấp dịch vụ điểm đến đồng loạt hành xử, từ chối phục vụ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả xấu khi dịch kết thúc, đó là hình ảnh điểm đến Việt Nam bị méo mó, tiêu cực trong mắt du khách.
Du khách dù sao cũng đã đến Việt Nam, nếu bị từ chối phục vụ sẽ rơi vào cảnh bơ vơ, không gì có lợi, kể cả không an toàn trong phòng chống dịch. Thà tiếp nhận hỗ trợ du khách cư trú ở những địa điểm cố định dễ kiểm soát hơn, vừa nhân văn và thân thiện.
Rất đáng quan tâm với hàng loạt đề xuất cách ly có thu phí, đáp ứng chỗ lưu trú tiện nghi cho du khách bằng cách sử dụng các khách sạn, resort phù hợp có thu phí vừa làm kinh tế, giảm quá tải cho các cơ sở cách ly của nhà nước, đáp ứng nhu cầu tiện nghi cho điểm lưu trú.
Để ngăn chặn tình trạng kỳ thị du khách, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ra thông báo khẩn sẽ xử lý nghiêm các hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ du khách. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là động thái quyết liệt, kịp thời, để chấn chỉnh các hành vi thiếu chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
>>> Chi tiết xem TẠI ĐÂY
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |