Nguồn vốn đầu tư dồi dào, bao gồm vốn nội địa và vốn từ nước ngoài đang chờ cơ hội để vào thị trường.
Tại toạ đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng giám đốc PVI AM nhận định: dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng từ phía cầu trong nước vẫn có tín hiệu sáng. Ở trong nước, người dân đã hình thành thói quen đầu tư. Báo cáo của Fiinratings trong nửa năm đầu 2025 có thể thấy, các quỹ ETF, quỹ ngoại bị rút ròng nhưng dòng vốn vào trái phiếu lại tăng.
Dòng vốn này, theo thống kê của PVI AM rất nhiều. Với tỷ lệ tiết kiệm của người dân Việt Nam cao so với các nước khác nên ngoài 76 triệu tỷ đồng trong ngân hàng còn có nguồn lực từ tài sản số khi Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về nắm giữ tài sản số; nguồn lực từ vàng…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phan Dũng - Phó Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ SSIAM cho biết: với nhiều sản phẩm quỹ được cung ứng, SSIAM đã huy động nguồn vốn dài hạn, ổn định. Qua trao đổi, nhiều nhà đầu tư lớn đang chờ sẵn để vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán và tín nhiệm quốc gia được nâng hạng. Ngoài khách hàng quốc tế, doanh nghiệp đang hướng các sản phẩm quỹ mở cho nhà đầu tư nội địa và đây là nguồn lực rất tốt.
Đánh giá cả dòng vốn nội địa và vốn từ nước ngoài đều còn nhiều dư địa, đại diện các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến yêu cầu cần có giải pháp phù hợp để khơi thông, dẫn dòng vốn vào nền kinh tế trong bối cảnh chính sách, cơ chế đang có nhiều thay đổi. Với dòng vốn nội, để khơi thông nguồn lực lớn trong dân, ông Nguyễn Phan Dũng đề cập đến các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, nhất là chính sách thuế.
Hiện tại, mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và các kênh đầu tư khá cao, khi nhà đầu tư đáo hạn tiết kiệm sẽ sẵn sàng nhìn sang các kênh đầu tư khác. Kinh nghiệm từ các quốc gia có hoạt động đầu tư đột phá cho thấy cần có chính sách thuế hướng tới đầu tư dài hạn.
“Các nhà đầu tư dài hạn, đầu tư qua các quỹ chuyên nghiệp có thể được giảm thuế, thậm chí miễn thuế. Đây là điểm rất quan trọng, nhất là khi chúng ta đang ở thời điểm bổ sung các luật thuế” - ông Nguyễn Phan Dũng chia sẻ.
Bên cạnh chính sách thuế, cần tăng cường và định hình giáo dục kiến thức tài chính cho người dân; tổ chức các kênh phân phối sản phẩm đầu tư toàn diện để các nhà đầu tư dễ dàng, thuận lợi và được tư vấn đầy đủ kiến thức, quy trình đáp ứng đúng khẩu vị nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân.
Về dòng vốn ngoài nước, thị trường chứng khoán nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi, ông Nguyễn Phan Dũng dự báo sẽ có dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF. Để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin, thực hành ESG…
Ngoài yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán, bà Trịnh Quỳnh Giao đề cập thêm một nội dung quan trọng khác. Đó là nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nước ngoài thấp hơn, có thể thấp hơn 40-50%. Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm quốc gia nâng cao cũng thể hiện rủi ro chính sách thấp đi, các cải thiện tích cực hơn, từ đó cả cổ phiếu và nguồn vốn vay sẽ vào nhiều hơn, dài hơn. Đặc biệt khi định mức tín nhiệm quốc gia được nâng lên, dòng vốn ngoại vào Việt Nam cũng mang tính dài hạn hơn.