Việc lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3% đã khiến một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài chính khu vực châu Á như năm 2013.
Lãi suất ở Mỹ có xu hướng tăng cao đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tình trạng các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường tài chính châu Á.
Cơn sóng ngầm
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt kế hoạch tăng thêm ít nhất 2 lần lãi suất nữa trong năm nay. Lãi suất tăng sẽ đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, qua đó sẽ thu hút vốn đầu tư từ những thị trường khác, đặc biệt các thị trường mới nổi vào Mỹ.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Nomura, dòng vốn đầu tư vào các quốc gia mới nổi có thể giảm 40 tỷ USD trong năm 2018 và 2019. “Nếu các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về rủi ro, con số đó có thể tăng lên thành 60 tỷ USD”, Nomura nhận định.
Ông Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế của Nomura cho biết, các nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hoặc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ bên ngoài là những nước dễ bị tổn thương nhất trước tác động tăng lãi suất ở Mỹ. “Các quốc gia châu Á cần cảnh giác trước sự gia tăng nợ trong khu vực tư nhân, vì các doanh nghiệp vay vốn bằng USD có thể gặp khó khăn khi trả nợ nếu đồng USD tăng mạnh”, ông Takahide Kiuchi cảnh báo.
Luôn cảnh giác
Theo các chuyên gia, về cơ bản, việc FED tăng lãi suất USD chưa có tác động nhiều đối với dòng vốn đầu tư ra - vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam không nằm trong số những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nếu xảy ra “cơn bão” tài chính khu vực.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng FED tăng lãi suất không tác động trực tiếp đến Việt Nam, nhưng Chính phủ và NHNN cần có sẵn những kịch bản cho các lần tăng lãi suất của FED và theo dõi chặt chẽ những biến động thị trường từ các nền kinh tế châu Á có mối quan hệ thương mại lớn với Việt Nam.
“Các doanh nghiệp có thể gặp khó khi muốn huy động vốn bằng USD trên thị trường quốc tế trong thời gian tới. Do đó, NHNN cần có những chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS. Hiếu cũng cho biết thêm, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn khá ngập ngừng, trong khi nhiều nền kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc - một phần do cải cách cơ cấu hướng tới tăng trưởng bền vững và lâu dài hơn – cũng đã ảnh hưởng đến thương mại và việc mở rộng chuỗi giá trị của khu vực.