Nguyên Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh đối diện mức án nào?

ĐỖ HUYỀN 30/06/2021 08:02

Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 15 bị can liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GDĐT) tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học.

Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh khám xét đối với 15 bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can, trong đó có bà Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính...

Bình luận về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng: “Thời gian gần đây, lĩnh vực đấu thầu có nhiều dư luận xấu, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu ở mức độ nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân trục lợi, làm ảnh hưởng tới hoạt động quản lý nhà nước.

Nhiều vụ án hình sự xử lý về tội vi phạm quy định về đấu thầu đã được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây, tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực trong xã hội.

Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng và chức vụ nói chung, xử lý hành vi phạm tội về đấu thầu là cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong xã hội”.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Đối với tài sản nhà nước, trong phần lớn các trường hợp phát sinh việc mua sắm, chi tiêu là phải thực hiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để đảm bảo việc sử dụng tài sản nhà nước minh bạch, hiệu quả, mang lại những giá trị cho xã hội.

Các bị can (từ trái qua phải) gồm: Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và Hà Huy Long, nguyên phó Phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công An.

Các bị can (từ trái qua phải) gồm: Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và Hà Huy Long, nguyên phó Phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công An.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tiêu cực trong xã hội như:

Làm thất thoát tài sản nhà nước, sử dụng tài sản không hiệu quả, không lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất, gây bất công bằng trong hoạt động kinh tế, nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng…

Theo quy định tại Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013 thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

- Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;

- Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 1 Luật đấu thầu mà có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;

- Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

- Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;

- Mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;

- Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập;

Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu thì tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với những hành vi sau đây, gây thiệt hại tới tài sản của nhà nước từ 100 triệu đồng hoặc thiệt hại dưới 100 triệu đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án mà còn vi phạm thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng:

Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép”.

Luật sư Đặng Văn Cường nêu cụ thể: “Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được quy định cụ thể như sau:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
  2. b) Thông thầu;
  3. c) Gian lận trong đấu thầu;
  4. d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

  1. e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
  2. g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
  3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
  4. a) Vì vụ lợi;
  5. b) Có tổ chức;
  6. c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  7. d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

  1. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Phân tích về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: “Như vậy, trong vụ án nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các bị can đã vi phạm quy định nào của luật đấu thầu, hậu quả của hành vi vi phạm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước là bao nhiêu để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và xác định hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi, làm cơ sở để tòa án xem xét, quyết định về tội danh và hình phạt.

Trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Với những người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, vai trò quan trọng, hưởng lợi lớn, không thành khẩn khai báo… thì có thể sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc, mức cao nhất có thể tới 20 năm tù.

Còn đối với người phạm tội nào phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, vai trò đồng phạm giúp sức thứ yếu… thì sẽ được hưởng khoan hồng, có thể xử ở mức thấp nhất của khung hình phạt, thậm chí có thể xét xử dưới khung hình phạt.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nội dung vụ án, đồng thời làm rõ hành vi có yếu tố tư lợi hay không, có hành vi phạm tội khác như tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ… hoặc các hành vi phạm tội khác về tham nhũng và chức vụ hay không để giải quyết triệt để vụ án trên nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần, nếu bị can có nhiều hành vi, mỗi hành vi lại thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của một tội danh thì có thể bị xử lý về nhiều tội danh trong cùng một vụ án, khi kết tội tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc quy định của Bộ luật hình sự”.

Cũng theo ông Cường cho rằng: “Trong vụ án này, điều đáng tiếc là có những cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương nhiều năm công tác, có thành tích lại đang bị buộc tội.

Dù vụ án mới trong giai đoạn điều tra, tòa án chưa xét xử, chưa kết tội nhưng việc cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố, bị bắt giam ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục, với dư luận xã hội về đạo đức nhà giáo.

Lĩnh vực giáo dục mầm non ở nước ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nếu cán bộ giáo dục lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm thất thoát nguồn ngân sách của lĩnh vực này, lợi dụng chức vụ để trục lợi, tham nhũng tiêu cực thì rất đáng trách, đáng lên án và phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất mới điều kiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

    15:34, 29/06/2021

  • Sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh: Khởi tố 15 bị can

    10:16, 25/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguyên Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh đối diện mức án nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO