Nguyễn Kim hoàn tất thâu tóm Dược Lâm Đồng: Sức ép cạnh tranh nóng dần lên

Linh Nga 13/05/2019 10:00

Sau Thế Giới Di Động và FPT Retail đã đầu tư vào nhà thuốc, Nguyễn Kim cũng đặt chân vào lĩnh vực dược vốn được đánh giá đầy tiềm năng này và sức ép cạnh tranh trên thị trường cũng nóng dần lên.

Thêm "ông lớn" điện máy lấn sân thị trường dược

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim thông báo đã mua thành công hơn 1,3 triệu cổ phần Công ty CP Dược Lâm Đồng - Ladophar (mã chứng khoán: LDP). Cùng với hơn 2,6 triệu cổ phần nắm giữ trước đó, Nguyễn Kim đã nâng tỷ lệ nắm giữ tại Dược Lâm Đồng lên 51,15%, qua đó có tiếng nói chi phối tại doanh nghiệp này.

Giá chào mua Nguyễn Kim công bố trước đó là 25.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 6.000 đồng/cổ phiếu so với giá vào ngày giao dịch. Ước tính thương vụ này trị giá khoảng 35 tỉ đồng. Chốt phiên hôm 9/5, cổ phiếu LDP đang ở mức 26.200 đồng/cổ phiếu.

Công ty Nguyễn Kim đầu tư vào Dược Lâm Đồng từ cuối năm 2014 với thương vụ mua vào 816.000 cổ phiếu, tương đương 24% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này sau đó chào mua cổ phiếu với giá tối đa 32.000 đồng/cổ phiếu nhằm nắm quyền chi phối nhưng nhiều lần liên tiếp thất bại.

Bà Vũ Thu Mười hiện đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Dược Lâm Đồng và là thành viên Hội đồng quản trị của công ty Nguyễn Kim.

Cuối năm 2018, Nguyễn Kim đăng ký mua 2,12 triệu cổ phiếu nhưng khối lượng giao dịch chưa đến phân nửa. Giá chào mua lúc này chỉ còn 23.500 đồng mỗi cổ phiếu, chênh lệch không nhiều so với thị trường.

Nguyễn Kim có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 198 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, bán buôn máy móc, thiết bị, phụ tùng...

Về phía cổ phiếu Dược Lâm Đồng thì từ giữa tháng 3 vừa qua bị đưa vào diện bị cảnh báo sau khi lỗ hơn 20 tỉ đồng trong năm 2018. Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân của việc này là công ty đang từng bước thực hiện 7 mục tiêu chiến lược như tái cơ cấu kênh phân phối, quy hoạch danh mục hàng hóa, giảm tỷ lệ thương mại... Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 460 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 5 tỉ đồng. Nhưng hết quý 1/2019, công ty vẫn đang lỗ hơn 2,4 tỉ đồng.

Sức ép cạnh tranh 

Báo cáo của BMI Research về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam cho thấy, thị trường dược phẩm năm 2017 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016. BMI cũng dự báo mức tăng trưởng của ngành này trong hai năm 2018 - 2019 đạt trên 10%.

Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam từ năm 2005 và dự báo đến năm 2027. Nguồn: Business Monitor International - BMI.

Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam từ năm 2005 và dự báo đến năm 2027. Nguồn: Business Monitor International - BMI.

Ngành bán lẻ dược phẩm hiện được phân chia thành ba kênh: bệnh viện, phòng khám và các nhà thuốc. Theo một thống kê của Bộ Y tế, phần lớn thuốc đang được phân phối ở các nhà thuốc đơn lẻ, chiếm tỷ lệ khoảng 65 - 70% lượng thuốc được tiêu thụ trên thị trường. Phần còn lại được phân phối tại các bệnh viện, phòng khám. Đặc điểm này giống như thị trường điện thoại di động và các thiết bị điện tử khoảng mười năm trước… Vì vậy, đây là thị trường hấp dẫn nhiều doanh nghiệp lớn.

Hiện trên cả nước đã hình thành một số hệ thống bán lẻ dược phẩm như Phano, Pharmacity, Long Châu, Minh Châu, Phúc An Khang, Eco, Medicare… Và gần đây là  hiện tượng các doanh nghiệp tên tuổi đã thành công trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản cũng chính thức gia nhập thị trường này như Thế giới di động, FPT Retail, Vingroup…và bây giờ Nguyễn Kim cũng đặt chân vào lĩnh vực dược vốn được đánh giá đầy tiềm năng này.

Nhìn nhận về câu chuyện “ông lớn” ngành bán lẻ mới gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm không đi nhanh được, ông Mai Hải Ninh - chủ của chuỗi nhà thuốc “Thuốc và sức khỏe” từng trả lời báo chí cho rằng: “Bán thuốc không như bán điện thoại. Bởi điện thoại chỉ có vài sản phẩm, còn thuốc lên tới hàng nghìn tên thuốc, đòi hỏi quản lý phức tạp hơn”. 

Theo ông Ninh, đã có doanh nghiệp lớn nhảy vào lĩnh vực dược phẩm, mời gọi rất nhiều dược sỹ từ các công ty dược phẩm về, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều người đã phải bỏ việc vì áp lực quản lý bán lẻ thuốc rất khác. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp bán lẻ thận trọng khi bước chân vào lĩnh vực này.

Một thị trường lớn với sức mua tăng trưởng 2 con số không đồng nghĩa với việc, cứ đầu tư là thắng. Đơn cử, năm 2017, Thế giới di động chính thức lấn sân mảng dược, nhưng hết tháng 6/2018, đã ghi nhận khoản lỗ 734 triệu đồng. Ông Hồ Viết Đông - CEO phụ trách chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi điện thoại BigPhone ở Campuchia của Thế giới di động cho biết "công ty đang đi từng bước thận trọng".

Còn FPT Retail, tuy đang tăng tốc, nhưng vẫn phải chấp nhận bù lỗ. Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu doanh thu 500 tỷ đồng và lỗ ròng khoảng 20 tỷ đồng.

Tuy vậy, các "ông lớn" này đặt nhiều tham vọng vào thị trường bán lẻ dược phẩm và ngay cả Nguyễn Kim cũng thế, khi kiên trì từng bước thâu tóm Dược Lâm Đồng.

Thị trường bán lẻ dược phẩm được nhận định có tiềm năng lớn khi thu nhập của người dân tăng lên, chi tiêu cho khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tăng lên. Dẫu vậy, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, sức ép cạnh tranh trên thị trường cũng nóng dần lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguyễn Kim hoàn tất thâu tóm Dược Lâm Đồng: Sức ép cạnh tranh nóng dần lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO