Nguyễn Kim, Vinafood II ngậm nhiều trái đắng, đến lượt Vĩnh Hoàn đóng cửa công ty lương thực

Theo Trí thức trẻ 15/03/2019 01:58

Vĩnh Hoàn quyết định giải thể Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Hoàn 2, lý do theo sự thống nhất của Công ty.

Vĩnh Hoàn đang tiến hành thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động và các quyền lợi khác theo quy định.

Trong một thông báo mới phát đi, Vĩnh Hoàn (VHC) quyết định giải thể Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Hoàn 2, lý do theo sự thống nhất của Công ty. Vĩnh Hoàn đang tiến hành thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động và các quyền lợi khác theo quy định. Song song, Công ty cũng thanh, quyết toán các khoản nợ thuế với cơ quan thế thuế và các khoản nợ khác của Công ty.

Được biết, Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Hoàn 2 thành lập vào tháng 11/2011, đây được xem là một mảng trái ngành của Vĩnh Hoàn, phát sinh thời điểm nhà nhà đi buôn gạo, người người đi buôn gạo. Song, những kỳ vọng kể từ lúc ban hành Nghị định 109/2011/NĐ-CP (NĐ 109) về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo được áp dụng đã không đạt kỳ vọng, Vĩnh Hoàn cuối cùng đi đến quyết định đóng cửa đơn vị lương thực sau 8 năm hoạt động lu mờ.

Sự việc hôm nay lại nhắc nhà đầu tư nhớ lại câu chuyện Vĩnh Long Food – "con cưng" của hai ông lớn Vinafood II và Nguyễn Kim – phải ngậm ngùi chia tay sàn chứng khoán vào năm 2016 do liên tục làm ăn thua lỗ. Docimexco (FDG) cũng đi đến quyết định dừng hoạt động mảng gạo, quay sang đẩy mạnh kinh doanh phân bón. Hay những tên tuổi khác như Angimex, Lộc Trời… cũng phải trải qua nhiều năm chật vật.

Doanh nghiệp rủ nhau đi buôn gạo "vụ mùa" 2007-2011

Điểm lại những năm 2007-2011, tồn kho gạo thế giới giảm mạnh, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực năm 2008 bùng phát đã góp phần nâng đỡ thương mại và giá gạo thế giới, giúp xuất khẩu gạo Việt Nam được hưởng lợi. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, năm 2011 Việt Nam mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một điều khoản quan trọng nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến trong kết cấu ngành kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Lúc bấy giờ, mặt bằng giá gạo thăng hoa từ mức 270 USD/tấn (năm 2007) gấp hai lần lên mức 550 USD/tấn vào năm 2011, thậm chí giai đoạn cao điểm năm 2008 - nỗi lo khủng hoảng lương thực đẩy giá gạo xấp xỉ mức 1.000 USD/tấn.

Chưa kể, Việt Nam ban hành Nghị định 109/2011 quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, không chỉ dừng lại là một khung khổ pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu gạo mà còn tạo thị trường chung cho kinh doanh xuất khẩu gạo trong và ngoài nước. Kết quả là, ngành gạo như diều gặp gió, kim ngạch xuất khẩu liên tục phá đỉnh, hàng trăm đơn vị đổ xô đăng ký và được cấp phép xuất khẩu gạo, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gạo sẽ không chỉ dừng ở các doanh nghiệp đăng ký mà còn thông qua các kênh đầu tư khác như đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp theo đó chuyển hướng kinh doanh gạo, đơn cử có Tập đoàn Lộc Trời (LTG) – xuất thân từ đơn vị kinh doanh hóa chất nông nghiệp - cũng bắt đầu xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong năm 2011.

Một số đơn vị trong ngành lúc bấy giờ như Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM), Docimexco (FDG) hay Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (VLF)… cũng thu hút quan tâm của nhiều quỹ ngoại. Được biết, Nguyễn Kim – cái tên khá quen thuộc trong làng điện máy – nắm giữ cổ phần tại hầu hết các công ty thực phẩm niêm yết nêu trên.

Cùng về tay không!

Song, với nhiều bất cập đi cùng tính cạnh tranh gay gắt, thị trường gạo sau đó đi vào chuỗi ngày khó khăn dẫn đến giá xuất khẩu giảm, song song gặp không ít thách thức về mặt tiêu thụ. Những kỳ vọng ban đầu không thành, doanh nghiệp huy động vốn chậm hơn so với dự tính khiến tình hình hoạt động nhanh chóng lao dốc.

Nhớ lại, thời đỉnh cao của ngành khi các quỹ đầu tư chuyển hướng quan tâm tại các công ty kinh doanh gạo, mặc dù bối cảnh thị trường tốt tuy nhiên e ngại lớn nhất chính lúc này chính là dư nợ vay khá lớn của các công ty. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp thương mại lại đặt tỷ trọng vay lớn tại những khoản vay ngắn hạn, dẫn đến hiệu quả tài chính không còn hấp dẫn khi sức ép trả lãi và trả nợ gốc khá nặng nề.

Đỉnh điểm năm 2012-2013, khi thị trường không như mong muốn, hàng tồn ứ đọng, dòng vốn xoay chuyển không kịp, dư nợ cao như giáng thêm đòn ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Điển hình Docimexco, từ mức lãi hàng chục tỷ đồng đến năm 2012 Công ty ngậm ngùi báo lỗ hơn 37 tỷ, con số sang năm 2013 tăng đột biến lên hơn 130 tỷ. Tình hình nhiều năm liền không khả quan khiến cổ phiếu Công ty bị hạn chế giao dịch từ 19/8/2016 do VCSH âm nặng. Đến năm 2017, vẫn còn quanh quẩn trong thua lỗ, cổ đông Công ty đã thống nhất phương án việc cơ cấu lại hoạt động, trong đó đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phân bón, tạm ngừng hoạt động sản xuất gạo.

Vĩnh Long Food cũng không thoát khỏi cơn bĩ cực, là đơn vị được rót vốn bởi Nguyễn Kim (23,35%) và Vinafood II, Công ty từng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ vào năm 2008. Cũng kể từ mức đỉnh này, lợi nhuận Vĩnh Long Food liên tục sụt giảm, Công ty chính thức thua lỗ từ năm 2014 và liên tục kéo dài.

Tinh hình kinh doanh khó khăn, nguồn vốn kinh doanh gần như bế tắc do tất cả các ngân hàng đều ngưng tài trợ - ngoại trừ việc hỗ trợ đợt mua tạm trữ vụ đông xuân theo chỉ đạo của Chính phủ. Vĩnh Long Food lúc bấy giờ hoạt động cầm chừng, chủ yếu tập trung thu hồi công nợ, bán hàng tồn kho và các tài sản sử dụng không hiệu quả để trả nợ vay ngân hàng. Mặc dù liên tục bán ra tài sản, bao gồm giải thể hàng loạt chi nhánh năm 2015, bán văn phòng đại diện tại số 31 Nguyễn Kim (Tp.HCM) cho HDBank để cấn trừ nợ, bán nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed… đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế tiếp đà tăng, Công ty phải tính đến phương án phá sản. Cũng trong năm này, cổ phiếu VLF chính thức bị hủy niêm yết trên HoSE, hiện mức giá cho cổ phiếu này chỉ còn 1.000 đồng/cp.

Dù không thua lỗ nặng nề, Angimex cũng chịu sự sụt giảm lớn mức lợi nhuận hàng năm. Lộc Trời cũng không mấy thuận lợi với công tác kinh doanh gạo, đến năm 2018 Công ty tiến hành thay đổi cơ cấu ngành hàng để hợp với thị trường, trong đó giảm tại mảng lương thực mà cụ thể là Lộc Trời sẽ hợp tác sát sao hơn với nông dân về diện tích canh tác, không còn lỏng lẻo trong quản trị như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguyễn Kim, Vinafood II ngậm nhiều trái đắng, đến lượt Vĩnh Hoàn đóng cửa công ty lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO