Tài chính doanh nghiệp

Thế khó của VHC

Hà Phương 24/03/2025 17:33

Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn vào thị trường Mỹ nhưng Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vẫn đang chịu áp lực...

Nguyên do lượng hàng tồn kho lớn với giá cao và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Bieu do T7
Doanh thu của VHC tại thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc giai đoạn 2020-2024 (tỷ đồng).

Đây là bài toán mà VHC cần giải quyết để có thể duy trì đà tăng trưởng năm trong 2025.

Tồn kho lớn

Theo VASEP, hiện nay giá cá tra thương phẩm đang dao động ở vùng 32.000 - 33.000 đồng/kg cho loại cá có trọng lượng từ 1 kg trở lên, giúp người nuôi có lãi. Điều này khuyến khích người nuôi tăng diện tích thả nuôi nhờ tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Như vậy, tình hình kinh doanh thuận lợi hơn giúp VHC ghi nhận doanh thu năm 2024 tăng trưởng 24,9%, đạt 12.535 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 34,6%, lên 1.310 tỷ đồng.

Dù kinh doanh thuận lợi, song báo cáo tài chính năm 2024 của VHC cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2024, giá trị tồn kho của công ty này lên tới gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng tài sản. Như vậy, tích trữ tồn kho trung bình của VHC tại thời điểm này là 126 ngày. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022, VHC có xu hướng tích trữ tồn kho trung bình từ 67,3 - 94,1 ngày, tương ứng tồn kho tầm 3 tháng để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Có thể thấy, hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2024 của doanh nghiệp này đang ở mức cao so với giai đoạn trước. Đây là lượng hàng tồn kho giá cao, khi VHC thu mua nguyên liệu từ những tháng cuối năm 2024.

Được biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của VHC trong nhiều năm qua, đóng góp khoảng 43,8% tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này. Tiếp đến là thị trường châu Âu, chiếm 23,5%; Trung Quốc chiếm 13,9%. Hiện nay, VHC đang tập trung vào sản xuất giống và cá giống thông qua Công ty TNHH Sản xuất giống Vĩnh Hoàn cũng như mở rộng vùng nuôi, tự chủ được khoảng 70% nguyên liệu. Điều này giúp doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu trong chế biến và xuất khẩu cá tra, nhưng vẫn chịu tác động nếu xuất khẩu cá tra giảm mạnh trở lại, nhất là khi lượng hàng tồn kho lớn giá cao từ giai đoạn trước chưa thanh lý hết.

vinh hoan

Theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang Mỹ năm 2024 của Việt Nam đạt 345 triệu USD, tăng 27% so với năm 2023. Trong đó, VHC tiếp tục dẫn đầu thị phần xuất khẩu vào thị trường này, với tỷ trọng 46%. Trong 2 tháng đầu năm nay, theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 253 triệu USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 2/2025, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt hơn 120 triệu USD, ghi nhận mức tăng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể thấy, chính sách thuế quan từ thị trường Mỹ biến động từng ngày là nguyên nhân dẫn tới áp lực hàng tồn kho lớn.

Áp lực cạnh tranh

Các chuyên gia phân tích đánh giá, năm 2025 tiềm ẩn nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành cá tra Việt Nam. Bởi ngành cá tra có tính chu kỳ cao, thường kéo dài 1-2 năm. Khi giá cá tra tăng, sẽ kích thích người dân tăng nuôi thả. Điều này đồng nghĩa khi nguồn cung tăng có thể dẫn tới giá cá tra giảm trở lại.

Về phía cầu, gần đây, việc Mỹ đang xúc tiến các hoạt động nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine sẽ mở ra triển vọng Mỹ gỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu thuỷ sản của Nga vào Mỹ, gồm cá tuyết và cá minh thái. Đây có thể là yếu tố gây thêm áp lực cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam, bởi cá tra là sản phẩm được Mỹ lựa chọn thay thế cho cá tuyết và cá minh thái từ Nga khi lệnh cấm xuất khẩu thủy sản của Nga vào Mỹ có hiệu lực.

Bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, hiện nay Mỹ đang áp thuế từ 0 - 3% lên các mặt hàng cá tra Việt Nam (không bao gồm thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp), trong khi Việt Nam áp thuế 15 - 30% lên các mặt hàng tương tự từ Mỹ. Vì vậy, trong trường hợp Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng lên mức 15 - 30%, sức cạnh tranh về giá của cá tra Việt Nam có thể suy giảm và nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ giảm, ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ lớn nhất của VHC.

Cơ hội đan xen thách thức

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể vượt mốc 10 tỷ USD vào năm 2025. VHC với vị thế doanh nghiệp đầu ngành, sẽ có nhiều cơ hội hơn thách thức do VHC có những lợi thế riêng biệt tại thị trường Mỹ, trong khi đó doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn tại thị trường Hồng Kông.

Bên cạnh đó, theo dự báo của nhiều chuyên gia, sản lượng cá tra sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 và được coi là sản phẩm thay thế cho cá rô phi tại Mỹ do giá cá tra ổn định và thường thấp hơn giá cá rô phi, nhất là khi thuế quan đối với cá rô phi tăng. Đây là cũng là điều kiện thuận lợi cho VHC.

Ngoài ra, ngày 17/1/2025 tại Mỹ, Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc DS536 tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo thỏa thuận này, VHC là doanh nghiệp duy nhất được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào Mỹ. Quyết định này sẽ giúp VHC rộng cửa xuất khẩu cá vào thị trường Mỹ mà không còn bị đe dọa áp thuế chống bán phá giá.

Bên cạnh thuận lợi thì thách thức cũng đang chờ đợi VHC, bởi giá cá tra có thể sẽ tiếp tục giảm tại Trung Quốc do phải cạnh tranh với cá rô phi và các loại cá khác. Đặc biệt, do Trung Quốc gặp bất lợi thuế quan tại Mỹ, nên thị trường này có thể sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu cá tra từ thị trường Việt Nam, dẫn tới việc xuất khẩu cá tra của VHC sang thị trường này giảm sút.

1.310 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế năm 2024 của VHC, tăng 34,6% so với thực hiện năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thế khó của VHC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO