Nguyên nhân nào khiến AGF lỗ lũy kế tới 178 tỷ đồng?

Nguyễn Long 18/08/2018 04:30

Mặc dù tổng số lỗ lũy kế của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) trong quý 3 đã giảm so với quý 2 của niên độ này, nhưng đến nay vẫn còn 178 tỷ đồng.

AGF tiếp tục gánh lỗ 178 tỷ đồng

AGF tiếp tục gánh lỗ lũy kế lên tới 178 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 03/2018 (niên độ 01/10/2017-30/09/2018) của AGF, doanh thu thuần giảm mạnh 55% xuống 277 tỷ đồng và chịu lỗ hơn 12 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý 3, doanh thu thuần xuất khẩu cá của AGF giảm xuống 156 tỷ đồng tương đương giảm 52%, doanh thu thuần bán cá nội địa giảm 78% xuống 31 tỷ đồng,  doanh thu thuần bán phụ phẩm và doanh thu bán thức ăn cho cá cũng lần lượt giảm 71% và 19% xuống còn 41 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Đâu là tương lai của AGF khi lỗ lũy kế gần 258 tỷ đồng?

    Đâu là tương lai của AGF khi lỗ lũy kế gần 258 tỷ đồng?

    06:15, 17/07/2018

  • AGF đang

    AGF đang "tụt dốc không phanh"?

    07:00, 07/03/2018

 Về doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể, chi phí lãi vay giảm 26% xuống 9,6 tỷ đồng, còn lại chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm xuống 13,5 tỷ đồng và 3,1 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của AGF quý 3/2018 ghi nhận lỗ 9,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 92 triệu, khiến lũy kế từ 1/10/2017 đến 30/6/2018 của AGF âm 166,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 4,7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, lỗ ròng của AGF ở mức gần 178 tỷ đồng.

Trước đó, theo BCTC riêng kỳ bán niên niên độ 2017-2018 (1/10/2017- 31/03/2018), AGF cũng lỗ ròng hơn 166 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên mức gần 258 tỷ đồng. Báo cáo này ghi nhận trên giả định hoạt động liên tục, khi kiểm toán bắt đầu nhấn mạnh về tồn tại yếu tố không chắc chắn dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.

Trước ý kiến của kiểm toán, AGF giảm bớt các vùng nuôi có hoạt động nuôi trồng không hiệu quả để giảm gánh nặng nguồn vốn lưu động, cho thuê gia công tại các nhà máy chế biến đang tạm ngừng hoạt động do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Đồng thời, Công ty thỏa thuận với các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn lưu động cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Về thị trường, AGF năm qua không xuất hàng qua Mỹ khi bị áp mức thuế chống phá giá khá cao. Thuế suất áp dụng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh của doanh nghiệp ở mức 0,66 USD/kg. Không thể xuất vào thị trường Mỹ cũng dẫn đến các khoản nợ phải thu tăng cao, buộc công ty phải trích lập dự phòng với số tiền lớn (dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng thêm 83 lên 160 tỷ đồng). Do vậy, công ty đã tìm kiếm thị trường thay thế mới là Trung Quốc, thị trường này có mức tăng trưởng, song sản lượng xuất chủ yếu là nguyên con nên giá trị thấp, hiệu quả không cao.

Về nguồn vốn, Công ty gặp khó khăn do chính sách tín dụng của các ngân hàng thắt chặt, nguồn vốn công ty bị thiếu hụt không đủ đáp ứng cho các vùng nuôi nguyên liệu dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu nguyên liệu sản xuất, không đủ sản phẩm đáp ứng cho thị trường những lúc giá xuất khẩu tăng cao, lỡ mất thời cơ.

Tính từ thời điểm niêm yết đến nay, giá cổ phiếu của AGF đã giảm 65% sau khi đạt đỉnh trên 20.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 01/07/2013. Chốt phiên 17/08, giá cổ phiếu AGF đóng cửa tại mức 3.880 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu AGF nếu so với thời hoàng kim năm 2007 sẽ thấy độ tụt dốc không phanh. Khi đó, AGF thuộc hàng công ty có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Giá cổ phiếu AGF có thời điểm vào tháng 3/2007 tăng lên đến 155.000 đồng/cổ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguyên nhân nào khiến AGF lỗ lũy kế tới 178 tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO