Với 15 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu VPS của Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam đã "sập sàn" 2 phiên liên tiếp, trắng bên mua.
Sau khi tăng trần 15 phiên liên tiếp, từ vùng giá 8.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VPS cán mốc 21.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 14/8. Tuy nhiên trong 2 phiên gần đây, cổ phiếu VPS đã "sập sàn" về vùng giá 17.350 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh vẻn vẹn 11.000 cổ phiếu trong phiên 17/8 và 18/8. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu tháo chạy khỏi cổ phiếu này.
VPS hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và mua bán chất hấp dẫn và xua đuổi côn trùng, thuốc diệt ký sinh trùng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuốc sát trùng gia dụng; mua bán máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và trang thiết bị cho phòng thí nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất và mua bán bao bì và in bao bì…
Sản lượng sản xuất hàng năm của VPS đạt trung bình 17.500 tấn thành phẩm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu là thuốc trừ sâu, bệnh và thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của công ty liên tục sụt giảm.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020, lũy kế nửa đầu năm 2020, VPS đạt doanh thu gần 218 tỷ đồng và lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 28% so cùng kỳ. VPS cho biết tình hình dịch COVID-19 và vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã tác động tiêu cực đến doanh số của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Mostfly Việt Nam Industries (Công ty liên kết của VPS) vẫn chưa ngừng được đà thua lỗ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hợp nhất.
Đặc biệt mới đây, tại thông báo điều chỉnh lại số liệu trên Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2019, lợi nhuận của VPS giảm mạnh từ hơn 13 tỷ đồng xuống chỉ còn 706 triệu đồng.
Theo đó, sau khi công bố Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2019, VPS đã nhận được tài liệu làm việc với các bên liên quan về việc đôn đốc thu hồi công nợ phải thu đối với khách hàng là Công ty TNHH Thương mại Nông Phát.
Qua đó, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nhận thấy các sự kiện phát sinh này ảnh hưởng trọng yếu đến các ước tính kế toán về dự phòng nợ phải thu khó đòi tại thời điểm 31/12/2019 của VPS đối với khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Nông Phát có số dư tại thời điểm 31/12/2019 gần 16 tỷ đồng.
Từ những dữ liệu trên cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của VPS không có gì nổi bật, thậm chí còn tụt dốc. Việc cổ phiếu VPS liên tục tăng trần thời gian qua không phải đến từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi và bán tháo. Do vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng với những cổ phiếu tăng trưởng nóng không tương ứng với kết quả kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm