Nhà nước phải chi trả hơn 4.000 tỷ cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Nguyễn Việt thực hiện 29/05/2019 12:14

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng số vốn phải giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, theo quy định Nhà nước phải chi trả khoản này, nếu không Vidifi phải phát sinh 800 tỷ/năm tiền lãi.

ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khẳng định, nếu đã hứa với doanh nghiệp thì phải làm, đối với cơ quan quản lý nhà nước lại càng không thể thất hứa. Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, nhằm tránh hệ lụy xấu cho môi trường đầu tư và “gỡ” khó cho dự án, Chính phủ vừa thống nhất với các bộ, ngành trình Quốc hội xem xét, chi trả hơn 4.000 tỷ cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Việt

Theo Vidifi, nếu khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng không được trả kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy tiền lãi phát sinh do các khoản hỗ trợ chưa được cấp đã lên đến trên 800 tỷ đồng/năm. Vì Vidifi vẫn phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản chưa được cấp nên nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. 

Dự án đã đi vào vận hành hơn 3 năm nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa bố trí được khoản kinh phí nhà đầu tư tạm ứng để giải ngân cho các địa phương. Nhằm tránh hệ lụy xấu cho môi trường đầu tư và “gỡ” khó cho dự án, Chính phủ vừa thống nhất với các bộ, ngành trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ việc này.

Có thể bạn quan tâm

  • Chi 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để trả nợ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

    Chi 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để trả nợ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

    09:50, 27/05/2019

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, đây chính là việc chấp hành luật, ông Lâm khẳng định, nếu đã hứa với doanh nghiệp thì phải làm, đối với cơ quan quản lý nhà nước lại càng không thể thất hứa.

“Việc hứa liệu có đúng thẩm quyền hay không? Hứa với doanh nghiệp nhưng đã làm theo đúng trình tự thủ tục của Luật Đầu tư hay chưa, hay cứ hứa liều rồi xảy ra tranh chấp thì bắt doanh nghiệp phải thế này, phải thế kia?”, ông Lâm đặt câu hỏi.

Theo ông Lâm, vụ việc này về mặt lập pháp thì không có vấn đề gì vướng mắc, nhưng khi cơ quan có thẩm quyền đã hứa thì phải làm và phải chịu trách nhiệm về lời hứa đó.

Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là doanh nghiệp vẫn đang phải chạy theo cơ quan có thẩm quyền để "đòi nợ", thưa ông?

Về nguyên tắc, ai ký thì người đó phải chịu trách nhiệm nhưng chúng ta cũng phải xét quá trình lịch sử, có thể trong giai đoạn trước đây Luật Đầu tư của chúng ta còn khá mới mẻ, quá trình triển khai chưa được nề nếp, chấp hành chưa được bài bản. Trong giai đoạn “giao thời”, có thể do nhận thức chưa đầy đủ, nên cơ quan chức năng chưa làm rõ phương thức quản lý, chưa thực hiện đầy đủ tất cả các quy trình, thủ tục đầu tư đã  vội đồng ý với chủ trương, dẫn đến vượt thẩm quyền, không đúng trình tự các bước. Do đó, cần xét lại bản chất của vấn đề này, nếu dự án thật sự có hiệu quả thì cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn cần xem xét giải quyết.

Nhưng qua câu chuyện này, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận về môi trường đầu tư của Việt Nam như thế nào, liệu có bị méo mó đi hay không, thưa ông?

Chắc chắn sẽ có tác động xấu đến môi trường đầu tư. Nhưng ở đây chúng ta cần phải nhìn dưới 2 góc độ. Thứ nhất, doanh nghiệp chủ quan, không nghiên cứu kỹ luật, mới chỉ nghe cơ quan nhà nước “hứa” là yên tâm ngay. Cho nên, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ luật trước khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư. Thứ hai, các cơ quan quản lý có thẩm quyền phải làm đúng quy định của pháp luật, đúng trình tự các bước. Mặc dù có thể thấy dự án tốt, hiệu quả và nên làm, nhưng vẫn phải đáp ứng đúng quy trình thủ tục, không thể hứa hẹn với doanh nghiệp một cách “cảm tính”, động viên doanh nghiệp cứ đầu tư, mọi “thắc mắc” sẽ được giải quyết sau. Từ sự dễ dãi và bất cẩn này mới dẫn đến câu chuyện kiện tụng hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà nước phải chi trả hơn 4.000 tỷ cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO