Một công ty có liên hệ với tập đoàn hàng tiêu dùng lớn đã được chấp thuận chào mua đến 90% cổ phần của Công ty sữa Quốc tế (IDP).
Mới đây, phiên họp bất thường của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) đã thông qua hai nội dung quan trọng về nhân sự hội đồng quản trị và việc chào mua công khai với nhà đầu tư khác.
Trong đó, các cổ đông của IDP đã thông qua nội dung cho Công ty cổ phần Blue Point mua đến 90% cổ phần mà không cần chào mua công khai. Thời gian thực hiện sau khi IDP đăng ký và trở thành công ty đại chúng, dự kiến trong tháng 12/2020.
Được biết, IDP thành lập năm 2004 tại Chương Mỹ, Hà Nội. Năm 2010, công ty thành lập nhà máy thứ hai tại Ba Vì, trở thành một trong những doanh nghiệp sữa tầm trung, có sức ảnh hưởng tại thị trường phía Bắc với những thương hiệu chính là Sữa Ba Vì và Love’in Farm.
Hai cổ đông lớn nhất của IDP hiện nay là liên doanh VinaCapital và Daiwa PI Partners. Theo báo cáo giao dịch mới đây, đến cuối tháng 6, hai tổ chức liên quan đến VinaCapital là Howard Holdings và Turnbull Holding sở hữu lần lượt là 54,8% và 10,5% vốn của IDP. Ngày 3/7, Howard Holdings đã chuyển nhượng hơn 28% cổ phần IDP, giảm sở hữu xuống còn 26,5%. Hiện VinaCapital và các bên liên quan chỉ còn nắm giữ 37% cổ phần của IDP.
Năm 2014, VinaCapita và Daiwa PI Partners đã rót 45 triệu USD vào Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu sữa Ba Vì. Tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài khi đó là 70%. Khoảng 30% cổ phần còn lại do gia đình ông Nguyễn Tuấn Khải và Tổng giám đốc IDP khi đó là "phù thủy" marketing Trần Bảo Minh sở hữu.
Năm 2014, IDP nhận khoản đầu tư 75 triệu USD từ VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) với hy vọng bật lên từ phân khúc tầm trung để lọt vào nhóm dẫn đầu trên thị trường. Tuy nhiên, dù chi mạnh tay cho marketing, kết quả kinh doanh của IDP vẫn không tăng trưởng nhanh như kỳ vọng, so với các doanh nghiệp khác trong ngành như Vinamilk, Dutch Lady, TH Milk thì quy mô IDP còn khá nhỏ.
Tình hình tài chính của IDP cũng không khả quan thông qua các báo cáo của VinaCapital, giá trị khoản đầu tư đã giảm sâu. Cụ thể, đến giữa năm 2018, giá trị khoản đầu tư này chỉ còn được ghi nhận là 25 triệu USD.
Theo báo cáo cập nhật hàng năm từ VinaCapital - cổ đông lớn nhất của IDP, doanh thu của công ty này đạt đỉnh trong hai năm đầu nhận đầu tư với thời điểm cao nhất gần 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm tiếp theo, doanh thu của công ty thu hẹp còn khoảng 1.300-1.400 tỷ đồng và phát sinh khoản lỗ lớn.
VinaCapital đã thực hiện tái cấu trúc IDP và hướng đến việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho khoản đầu tư khó khăn này. Đến nay dường như việc đàm phán đã có kết quả khi VinaCapital giảm tỷ lệ sở hữu.
Đồng thời với sự xuất hiện của cổ đông mới, Đại hội cổ đông mới đây của IDP đã thông qua việc cho phép Công ty Cổ phần Blue Point mua đến 90% cổ phần của công ty mà không phải chào mua công khai.
Công ty Cổ phần Blue Point được thành lập năm 2015 tại TP.HCM, do ông Nguyễn Hữu Thành làm Tổng giám đốc. Ông Thành được cho là có mối liên hệ với một tập đoàn hàng tiêu dùng lớn của Việt Nam. Tập đoàn từng thể hiện tham vọng mở rộng sang lĩnh vực sữa và dược phẩm trong chiến lược xây dựng tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ lớn nhất cả nước.
Đáng chú ý, Hội đồng quản trị của Công ty Sữa Quốc Tế đã bổ sung thêm hai thành viên là ông Tô Hải và ông Hồ Sỹ Tuấn Phát. Ông Tô Hải là Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty dẫn đầu về dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và có vai trò lớn trong các vụ M&A của nhiều tập đoàn tại Việt Nam.
Trong khi đó ông Hồ Sỹ Tuấn Phát mới đây trở thành Tổng Giám đốc của Lothamilk (Sữa tươi Long Thành), doanh nghiệp có lịch sử 20 năm ở Đồng Nai. Xuất phát từ một liên doanh với doanh nghiệp Đài Loan, năm 2015 trở thành công ty 100% vốn trong nước. Sau đó Lothamilk được tái cấu trúc, công bố hình ảnh mới, mở rộng nhà máy chế biến.
Theo báo cáo của SSI Research, ngành sữa Việt Nam chỉ tăng 0,5% về vốn hóa thị trường trong năm 2019, thấp hơn so với kỳ vọng. Cũng tại báo cáo, SSI dự báo ngành sữa tiếp tục tăng trưởng 1 chữ số trong năm 2020. Cùng với thương vụ thâu tóm IDP của Blue Point thì ngành sữa từ cuối năm 2019 tới nay cũng đã có nhiều biến động. Đơn cử là thương vụ M&A giữa Vinamilk và GNTFoods, giúp Vinamilk chính thức sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu.
Có thể bạn quan tâm