Nhập khẩu nhân điều và rủi ro cho thương hiệu Việt

Bảo Loan 09/02/2020 11:30

Hạt điều đã qua chế biến đang là mặt hàng nhập khẩu gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) lo rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến ngành chế biến điều trong nước.

Thời gian gần đây số lượng nhân điều còn vỏ lụa và cả nhân điều trắng nhập khẩu đang gia tăng nhanh tiếp tục trở thành vấn đề nóng. Nhân điều được nhập về Việt Nam trong hầu hết các trường hợp được đóng gói hoặc gia công một công đoạn rồi đóng gói, sau đó xuất khẩu bằng nhãn mác Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Belarus muốn nhập khẩu hạt điều, cacao, lạc từ Việt Nam

    00:00, 14/05/2015

  • Nhập khẩu điều thô sẽ tiếp tục “leo thang”

    06:33, 23/08/2017

  • Hiệp hội Điều Việt Nam thành lập tổ tư vấn nhập khẩu điều thô

    00:00, 18/07/2013

  • Sẽ giảm thuế nhập khẩu điều thô xuống 0%

    00:00, 06/05/2011

Có một thực tế là mặt hàng điều rất khó trong việc kiểm soát chất lượng, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này dẫn đến việc uy tín, thương hiệu chung của Việt Nam trên thị trường thế giới có thể bị ảnh hưởng. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết điều này "đã khiến chất lượng điều chế biến của Việt Nam giảm, gây hại cho thương hiệu Việt".

Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas

Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2019 việc nhập khẩu hạt điều nguyên liệu về Việt Nam loại hàng giá rẻ (hạt cỡ nhỏ, điều thu hoạch từ các vụ cũ, đã kém phẩm chất...) đã ảnh hưởng đến thương hiệu điều chế biến của Việt Nam.

Đầu năm 2020, tình trạng nhập khẩu lượng nhân điều còn vỏ lụa và cả nhân điều trắng đang gia tăng nhanh, ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas cho biết: nhân điều còn vỏ lụa và nhân điều trắng nhập khẩu không phải dạng nguyên liệu như hạt điều thô mà là sản phẩm đã qua chế biến. Nhân điều còn vỏ lụa và nhân điều trắng là sản phẩm đã qua chế biến nhưng hiện tại chúng lại được áp chung mã với mã hạt điều thô khi nhập khẩu nên được hưởng thuế suất và các ưu đãi như với hạt điều thô.

Trong khi đó các doanh nghiệp ngành chế biến điều Việt Nam đã và đang sản xuất rất tốt loại sản phẩm này, đầu tư rất lớn cho cả quy trình chế biến hiện đại từ hạt điều thô đến sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Vì vậy "nhân điều không phải là nguyên liệu cần thiết, trong nước không có để doanh nghiệp Việt Nam phải nhập về, sử dụng sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu cho nhập như cách hiện tại sẽ vừa sai với quy định, làm thất thu cho nhà nước, vừa ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam". Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần xem xét, không coi nhân điều nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt là ngăn ngừa việc lợi dụng uy tín, thương hiệu của ngành điều Việt Nam để thu lợi, Hiệp hội Điều Việt Nam kỳ vọng.

Trước tình trạng nhập khẩu điều hiện nay, những quy định hợp lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập khẩu nhân điều trắng hoặc còn vỏ lụa sẽ là giải pháp thiết thực nhất với doanh nghiệp cũng như cả ngành chế biến điều Việt Nam. “Năm 2020 đã bắt đầu. Hy vọng với kinh nghiệm thương trường của những năm qua, các nhà chế biến, kinh doanh trong ngành sẽ vững vàng để thành công hơn trong vụ mùa mới”, ông Công chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhập khẩu nhân điều và rủi ro cho thương hiệu Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO