Nhập khẩu phế liệu: Càng siết càng tăng?

Vân Du 15/10/2018 04:54

Chỉ trong 8 tháng đầu năm, lượng phế liệu nhập khẩu bằng lượng nhập khẩu của cả năm 2015 và 2016.

Nhập khẩu phế liệu tăng mạnh

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2018, nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị gần 9,9 tỷ USD.

Trong đó, nhóm hàng phế liệu sắt thép ghi nhận mức tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giá trị nhập khẩu là 1,244 tỷ USD.

Lượng sắt thép phế liệu từ Nhật Bản đạt 990.639 tấn, trị giá 368,64 triệu USD, chiếm 28,5% trong tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 30,3% trong tổng kim ngạch, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 29,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp đến là Mỹ, với lượng nhập khẩu đạt 594.963 tấn, trị giá 213,03 triệu USD, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước, tăng mạnh 50,4% về lượng và tăng 89,1% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đạt 384.665 tấn, tương đương 140,9 triệu USD, chiếm trên 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, giảm 13,8% về lượng nhưng tăng 13,8% về kim ngạch. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý 5.000 container phế liệu vô chủ cách nào?

    11:07, 06/10/2018

  • Doanh nghiệp lại khổ vì thủ tục phế liệu, phế phẩm

    12:05, 05/10/2018

  • Siết chặt nhập khẩu phế liệu

    02:36, 22/09/2018

  • Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu: Sẽ hết cảnh “mang con bỏ chợ”?

    05:00, 21/09/2018

  • Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu

    11:00, 18/09/2018

  • Thủ tướng chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu

    18:53, 17/09/2018

  • Chính phủ nói gì về vấn đề nhập khẩu phế liệu?

    19:10, 30/08/2018

  • Kịp thời chặn lô phế liệu không phép vào cảng Hải Phòng

    01:16, 22/08/2018

  • Khó xử lý những lô hàng phế liệu vô chủ

    12:05, 16/08/2018

Đâu là nguyên nhân?

Ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý cho biết, hoạt động nhập khẩu phế liệu có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp. Bên cạnh các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu chính đáng để về sản xuất giấy, sản xuất thép thì một số doanh nghiệp lại lợi dụng sơ hở của cơ chế chính sách để nhập số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam.

Về nguyên nhân, theo ông Âu Anh Tuấn, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế (trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo Quyết định số 73 của Thủ tướng Chính phủ). Điều này tác động, gia tăng đột biến lượng container  nhập về tại các cảng biển, đặc biệt là nhựa phế liệu và giấy phế liệu.

Thậm chí, một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong  nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để nhập khẩu phế liệu nhưng lại bán cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác (doanh nghiệp chưa được cấp giấy phép) để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Qua rà soát, Hải quan đã phát hiện trên 45 mẫu phế liệu, tương ứng trên 300 container không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, có lẫn các tạp chất nguy hại đến môi trường.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá tổng thể tình hình xuất nhập khẩu phế liệu của trên 250 doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, so sánh, đối chiếu thông tin trên cơ sở báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường, dữ liệu cấp phép nhập khẩu…, qua đó xác định 44 doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn gian lận về sửa chữa, làm giả hồ sơ, nhập vượt số lượng được cấp phép…trong hoạt động  nhập khẩu phế liệu. Hiện cơ quan Hải quan đang tiếp tục tổ chức điều tra xác minh theo chức năng, nhiệm vụ.

Được biết, trong 4 tháng gần đây, TP HCM là địa phương siết quản lý phế liệu  nhập khẩu mạnh nhất, thậm chí còn kiên quyết yêu cầu các hãng tàu xuất trả, các chủ hàng chịu trách nhiệm tái xuất hoặc tự tiêu hủy... nên bắt buộc doanh nghiệp phải chạy qua chỗ khác để nhập khẩu dẫn đến tình trạng phế liệu tăng đột biến tại các cảng khác, trong đó có cảng Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trước đó, tại buổi họp báo về Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, ngoài kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, một loạt các cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường đang được phía Kiểm toán Nhà nước nhắm tới.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quá trình phát triển bền vững đang bị thách thức vì yếu tố môi trường. Đây là lực cản có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, theo ông, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư. “Nếu ta không ngăn chặn thì sẽ bị đẩy công nghệ lạc hậu và phế thải vào trong nước và ta thành bãi rác. Việc này ảnh hưởng tới tới cuộc sống, sự phát triển bền vững của ta,” ông Phớc nói.

Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, từ ngày 1/10/2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, áp dụng hoặc đề xuất áp dụng biện pháp tạm ngừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO đối với việc nhập khẩu phế liệu.

Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán và sử dụng phế liệu nhập khẩu. Từ ngày 1/10/2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.

Về phía Bộ GTVT, Thủ tướng giao trách nhiệm cơ quan này chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, chủ tàu, chủ hãng vận tải biển chỉ được đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực) nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới. Chủ tàu, chủ hãng vận tải biển phải chịu trách nhiệm đối với lô hàng phế liệu đang vận chuyển của tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu và chủ hàng không xuất trình được Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển phải chịu trách nhiệm về việc cho phép bốc dỡ các lô hàng phế liệu nhập khẩu nêu trên.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhập khẩu phế liệu: Càng siết càng tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO