Doanh nghiệp

Nhật Bản muốn thu hút các doanh nghiệp công nghệ Việt

Hạnh Lê 22/01/2025 01:10

Lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt, những đối tác Nhật Bản hướng đến đội ngũ kỹ sư có năng lực kỹ thuật cao.

Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho biết: theo khảo sát của JETRO, từ 1-2 năm tới, các công ty Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Mr Junya
Ông Junya Kawamoto - Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản

Trong 7 năm liên tiếp gần đây, Việt Nam cũng là thị trường nước ngoài được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc - những quốc gia luân phiên giữ vị trí thị trường hàng đầu. Trong đó, lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ lệ lớn nhất (37%) trong các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Không chỉ gia tăng đầu tư vào Việt Nam, ở chiều ngược lại, Nhật Bản đang mong muốn thu hút, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ông Junya Kawamoto - Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản cho biết, hiện Nhật Bản tăng đầu tư cho chuyển đổi số khiến cho việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài kỹ thuật trong ngành dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các rủi ro liên quan đến địa chính trị tiếp tục làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu lao động trong các ngành khác nhau.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cần phải làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, để giải quyết các rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng. Nhiều địa phương và các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Theo đại diện Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản, Việt Nam có nhiều lợi thế khi có nhiều người dân quan tâm đến công nghệ. Trong khi Chính phủ tập trung phát triển phần mềm, điện tử cũng như các công nghệ hiện đại; hỗ trợ giáo dục công nghệ và tiếng Nhật.

Lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, các đối tác Nhật Bản đang hướng đến đội ngũ kỹ sư công nghệ có năng lực kỹ thuật ngày càng cải thiện, hơn là ưu thế chi phí nhân công rẻ như giai đoạn trước đó.

Vì vậy, hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và doanh nghiệp công nghệ Việt không chỉ dừng lại ở các hoạt động gia công phần mềm như trước đây mà có thể tập trung vào các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo. Việc kết hợp giữa kinh nghiệm của các công ty Nhật Bản với năng lực của các kỹ sư Việt Nam có thể thúc đẩy nâng cao khả năng của cả hai bên.

nhan su
Lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp Việt, các đối tác Nhật Bản đang hướng đến đội ngũ kỹ sư công nghệ có năng lực kỹ thuật ngày càng cải thiện

Đại diện Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản cũng nhấn mạnh đến mô hình đối tác mới đang được hình thành, vượt ra ngoài mô hình truyền thống. Đó là các sáng kiến liên doanh khi các công ty lớn của Việt Nam đã thành lập một công ty con tại Nhật Bản để tiến vào thị trường Nhật Bản và gia tăng vị thế, giá trị xuất khẩu.

Mô hình hợp tác thay đổi, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đã mở rộng đầu tư cho R&D cung ứng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp với chất lượng tốt hơn, thời gian phát triển dự án nhanh hơn. Đặc biệt, dựa trên lợi thế của công nghệ mới, doanh nghiệp công nghệ Việt có thể đặt ra mục tiêu tăng trưởng tốt hơn trong những năm tới.

Dư địa mở rộng tăng trưởng của doanh nghiệp công nghệ tại thị trường Nhật Bản là rất lớn. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, quy mô thị trường dịch vụ outsource IT (thuê ngoài dịch vụ IT) của Nhật Bản ước khoảng 30 tỷ USD/năm. Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt mới đạt khoảng 2 tỷ USD.

Với việc được các doanh nghiệp, tập đoàn từ Nhật Bản và một số nước khác định vị là một trong những đối tác quan trọng gần như là số 1, doanh nghiệp Việt được kỳ vọng đạt được tăng trưởng đột phá về doanh thu.

Tuy nhiên, để tiến xa hơn, các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục vượt qua thách thức về ngôn ngữ, ổn định nhân lực. Bài học kinh nghiệm này mới đây được Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ. Thành công của FPT tại Nhật Bản cách đây hơn 2 thập kỷ cũng nhờ chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Nhật.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập đến việc các doanh nghiệp Việt cần thiết tiếp tục đầu tư cho R&D; phát triển đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên ngành để nghiên cứu và cung ứng các giải pháp cho các ngành công nghiệp có nhu cầu lớn như: sản xuất, công nghiệp ô tô, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế... trên các nền tảng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, AI, blockchain...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhật Bản muốn thu hút các doanh nghiệp công nghệ Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO