Việt Nam phải tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, thương mại và đầu tư. Châu Phi là địa bàn quan trọng, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy khi tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria tối ngày 28/10 (29/10 giờ Việt Nam). Hiện nay Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Nigeria hạt điều, gỗ còn xuất khẩu sang quốc gia này các mặt hàng điện thoại di động, may mặc, dày dép.
Theo Phó Thủ tướng, châu Phi có vị trí rất quan trọng trên thế giới về các mặt chính trị, an ninh, kinh tế. Nhận thức được vai trò của lục địa này, ở trong nước, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác đầu tư với các nước châu Phi và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp mặt các đại sứ của các nước châu Phi và khu vực Trung Đông.
Có thể bạn quan tâm
09:55, 19/10/2019
00:00, 19/10/2019
10:24, 16/10/2019
14:06, 14/10/2019
17:02, 28/09/2019
22:44, 23/09/2019
Hiện nay ở trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Vingroup, FLC, TH... Phó Thủ tướng đề nghị Sứ quán và Thương vụ Việt Nam khắc phục các khó khăn để nghiên cứu, kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam sang đầu tư, làm ăn tại Nigeria và các nước lân cận cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
“Ban đầu là khó khăn, nhưng chúng ta phải đặt những viên gạch đầu tiên để vươn ra thị trường mới nhiều tiềm năng này”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói với các cán bộ sứ quán và lãnh đạo một số bộ, ngành trong đoàn công tác.
Được biết, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng liên tục, từ 288,4 triệu USD năm 2014 lên 456,3 triệu USD năm 2018, đưa Nigeria trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang “lệch” nhiều về phía Nigeria khi Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn về hạt điều từ quốc gia này (300 triệu USD) và Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với 200 triệu người, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, đầu tư.
Thông báo tới cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước ta kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững nền hòa bình và ổn định của đất nước. Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ, Sứ quán Việt Nam phải tích cực quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam mới hoà bình, thân thiện và năng động đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nigeria, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia, dân tộc.