Nhiều “điểm nghẽn” cổ phần hóa

GIA NGUYỄN 31/03/2021 11:00

Mặc dù có nhiều chỉ đạo đôn đốc, cùng với đó là hoàn thiện về mặt hành lang pháp lý, thế nhưng, ì ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn trở thành “điệp khúc”… “vướng”, vì đâu?

 Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện CPH năm 2020. Nguồn: Bộ Tài chính

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện CPH năm 2020. Nguồn: Bộ Tài chính

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên, trong số đó chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) thuộc danh mục CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Nguyên nhân được chỉ ra, hầu hết doanh nghiệp thuộc diện CPH đều là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai nên cần phải tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại…

Hoàn thiện khung pháp lý

Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, trong đó, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP được kỳ vọng và đánh giá sẽ tháo gỡ những “nút thắt” vướng mắc, bất cập trong các cơ chế, chính sách hiện hành.

Cụ thể, liên quan đến phương án sử dụng đất khi CPH, Nghị định 140 quy định căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt theo quy định, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp khi CPH và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sử dụng đất khi CPH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án sử dụng đất bao gồm toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp CPH và các công ty TNHH MTV do doanh nghiệp CPH đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, liên quan đến xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm chính thức chuyển thành Công ty cổ phần, về xác định giá trị doanh nghiệp; cũng như các quy định về tư vấn CPH và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, các quy định về công bố thông tin, quy định về đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ khi tham gia đấu giá mua cổ phần…

Vì đâu vẫn… “vướng”?

Theo các chuyên gia, vấn đề bất cập liên quan đến CPH là xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó, không ít doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có tài sản cho thuê, tài sản ngoài sổ sách khiến khó xử lý, giải quyết để CPH, phải xin nhiều cấp khác nhau, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý.

Bên cạnh đó, việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011-2020 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn Nhà nước, cũng là một trong những vấn đề được đặt ra.

Thông tin với báo chí, chuyên gia Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cải cách kinh tế phải gắn liền với thể chế hành chính công và bộ máy quản lý, thời gian dài vừa qua, Việt Nam chủ yếu chỉ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn của vấn đề. Muốn giải quyết được, cần phải thay đổi cách làm, người làm và chính sách CPH để không phải ra nhiều văn bản quy định, hướng dẫn nhưng cuối cùng qua năm này, đến năm khác cổ phần hóa vẫn vướng, vẫn tắc.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều nơi, doanh nghiệp CPH, nhưng thực chất chỉ bán vốn rất nhỏ, cơ bản phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn rất lớn, bộ máy chỉ chuyển đổi đôi chút, nhưng kỹ năng quản trị vẫn vậy, người lãnh đạo vẫn vậy thì rất khó thay đổi, chuyển hóa về chất. Trong khi đó, thực tế thị trường đòi hỏi những tư duy mới, cách làm mới hiệu quả hơn, bài bản hơn…

Thực tế, thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm liên quan đến quản lý tài sản tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước,…

Vậy, cụ thể “điểm nghẽn” CPH của mỗi DNNN ở đây là gì? Giải pháp nào để tháo gỡ vướng mắc CPH cho doanh nghiệp?

DĐDN kính mời Quý độc giả đón đọc loạt bài tiếp theo

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy nhanh cổ phần hóa: Phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu

    Đẩy nhanh cổ phần hóa: Phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu

    04:30, 17/03/2021

  • Cổ phần hoá DNNN: Chậm và kém hiệu quả do đâu?

    Cổ phần hoá DNNN: Chậm và kém hiệu quả do đâu?

    05:00, 02/02/2021

  • “Quá độ cổ phần hóa” nhìn từ Agribank

    “Quá độ cổ phần hóa” nhìn từ Agribank

    11:00, 24/01/2021

  • Khó

    Khó "bung" cổ phần hóa, thoái vốn

    11:00, 23/01/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

    18:01, 06/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều “điểm nghẽn” cổ phần hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO