Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.
Trao đổi với Phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo các Hiệp hội cũng như chủ một số doanh nghiệp đều cho rằng Nghị định 41 của Chính phủ được ban hành rất kịp thời và sẽ có những tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp.
LS. Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho rằng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 41 trong thời điểm hiện nay là rất kịp thời và hiệu quả. LS Hưng đánh giá Nghị định này có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với các chính sách của các ngân hàng. Bởi các ngân hàng còn phải lo bảo toàn vốn và vì lợi nhuận kinh doanh, nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Nhưng đối với Nghị định 41 thì khác, nó có tác động đến hầu hết mọi đối tượng doanh nghiệp, kể cả đối với các hộ kinh doanh gia đình.
Một tác động lớn nữa của Nghị định 41 mang lại, theo LS Hưng, đó chính là vấn đề về an sinh xã hội. Chính phủ đã quan tâm đến mọi tầng lớp trong xã hội và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động.
“Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cũng cũng như các doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần chỉ đạo của Nghị định 41 và tin tưởng với những hỗ trợ kịp thời này từ Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ tạm thời vượt qua được khó khăn. Hiệp hội cũng sẽ theo dõi sát sao hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu thông tin về tình hình của các nước thông qua các Tham tán Thương mại để giúp doanh nghiệp tìm được hướng đi sau khi hết dịch”. LS. Hưng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 08/04/2020
12:48, 06/04/2020
10:52, 04/04/2020
10:24, 04/04/2020
16:53, 01/04/2020
16:38, 24/03/2020
Đồng tình với quan điểm trên, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định 41 để dãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp. Đây là một động thái rất kịp thời của Chính phủ và đã chia sẻ được phần nào những khó khăn của các doanh nghiệp.
Bà Kim Chi cũng cho biết, bà đặc biệt ấn tượng với Nghị định này so với các Nghị định trước đây là nó được áp dụng ngay sau khi Thủ tướng đặt bút ký. “Điều đó cho thấy rằng, Chính phủ đã rất nhanh nhạy và quyết liệt. Việc Nghị định có hiệu lực ngay đã đơn giản được rất nhiều vấn đề về mặt thủ tục hành chánh. Đây đều là những động thái nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp”. Bà Kim Chi đánh giá.
“Thời gian sắp tới, các doanh nghiệp sẽ sử dụng những khoản tiền có được từ việc dãn nộp thuế để làm vốn lưu động và chăm sóc cho các bộ, công nhân viên trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bước đầu các doanh nghiệp cũng đang rất phấn khởi bởi sự chia sẻ kịp thời này từ Chính phủ”, bà Kim Chi chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty Thuế - Kế toán – Luật Việt Á, có trụ sở tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đánh giá, Nghị định 41 đã có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các doanh nghiệp siêu nhỏ và đặc biệt là các hộ kinh doanh gia đình.
Ông Tuấn phân tích, đối với chính sách dãn nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã có tác động đến trên trên 5 triệu hộ kinh doanh gia đình. Còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định này có tác động đến gần 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước. “Đây là một chính sách hỗ trợ rất kịp thời của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp”. Ông Tuấn khẳng định.
Đối với các thủ tục để được hưởng chính sách từ Nghị định, ông Tuấn cũng đánh giá là cũng rất đơn giản, các doanh nghiệp chỉ cần làm đơn gia hạn nộp thuế đến các cơ quan thuế là được xem xét giải quyết, các doanh nghiệp cũng có thể nộp đơn theo hình thức online.
Về thời hạn dãn nộp thuế đối với các doanh nghiệp theo Nghị định 41 là từ 5-6 tháng, ông Tuấn cho rằng Chính phủ áp dụng thời hạn trên ngoài việc hỗ trợ khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp, nó còn thể hiện một tinh thần lạc quan và quyết tâm chống dịch của Đảng và Nhà nước ta.
Về doanh nghiệp của mình ông Tuấn cho biết, Nghị định 41 đã giúp doanh nghiệp của ông có một khoản kinh phí để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên trong quý II. Đồng thời cũng gián tiếp tạo ra sự đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong ngành thuế.
Ở một góc độ khác, ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP SFurniture, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, có trụ sở tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thì cho rằng, Nghị định 41 đã kịp thời hỗ trợ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các Khu công nghiệp (KCN) và lĩnh vực xuất nhập khẩu thì chưa được hưởng lợi từ Nghị định.
Bởi theo ông Vạn, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN đã phải đóng tiền thuê đất một lần ngay từ khi ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư các KCN, nên sẽ không được hưởng lợi từ chính sách cho phép chậm nộp tiền thuê đất của Nghị định. Tương tự, đối với thuế Giá trị gia tăng cũng vậy, bản thân các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bình thường đã được hoàn thuế, nên cũng không được hưởng ưu đãi từ việc dãn và giảm thuế GTGT.
Ông Vạn cho biết, hiện nay ngành gỗ xuất khẩu cũng như n hiều ngành nghề khác đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại rất nặng nề do thị trường thế giới đang đóng cửa để phòng dịch COVID-19, các doanh nghiệp gần như không có doanh thu trong 3 tháng qua.
Riêng đối với Công ty SFurniture, trước khi chưa có dịch bệnh, một tháng bình quân công ty xuất từ 50-60 container, nhưng vài tháng qua chỉ xuất được từ 1-3 container/ tháng, mọi hoạt động sản xuất gần như đều bị ngưng trệ.
Ông Vạn cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp đang chịu thiệt hại như nhau, nên cũng rất cần những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm doanh nghiệp và cũng là để tạo nên sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, ông Vạn cũng cho rằng, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp cũng như người dân đang đồng lòng và sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như sớm ổn định sản xuất kinh doanh hậu dịch COVID-19.
Theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp; Lâm nghiệp; Thủy sản; Vận tải kho bãi; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Dịch vụ lưu trú; Giáo dục - đào tạo… được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau: Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3-2020 chậm nộp nhất là ngày 20-9-2020. Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 4-2020 chậm nhất là ngày 20-10-2020. Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 5-2020 chậm nhất là ngày 20-11-2020. Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 6-2020 chậm nhất là ngày 20-12-2020. Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 1-2020 chậm nhất là ngày 30-9-2020. Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 2-2020 chậm nhất là ngày 30-12-2020. Trong thời gian gia hạn nộp thuế, căn cứ giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn, chậm nhất là ngày 30-7-2020. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8-4. |