Ngày 17/12/2019, Bộ Công Thương đã thông tin với báo chí về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm.
Từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).
Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, tăng 10.000đ/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đ/kg, tăng 15.000 – 20.000đ/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019).
Tăng giá do dịch tả lợn châu Phi
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tăng giá là do các ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước, đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 26/11/2019
11:32, 23/11/2019
11:00, 17/12/2019
11:15, 28/11/2019
Việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.
Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380.000 tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 50% so với trước khi xuất hiện dịch tả (tháng 4 năm 2019). Số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.
Trong thời gian tới, do dịch tả lợn châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, với giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt trong thời gian tới. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.
Vẫn theo Bộ Công Thương, thời gian đầu khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ nên nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1/ 2020). Do vậy, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt. Tuy nhiên, số lượng thì vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.
Triển khai bình ổn mặt hàng thịt lợn
Tại Thông báo kết luận số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 về Kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019, Bộ Công Thương được giao: “Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020”.
Thực hiện chỉ đạo trên, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng. Cụ thể, chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, trong đó tập trung, chú trọng vào kết nối mặt hàng thịt lợn tại TP HCM, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam…
Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn làm việc về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn. Đồng thời trước tình hình nguồn cung thiếu hụt, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá chính xác về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công Thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Bộ cũng chỉ đạo sát sao các Cục quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trực tiếp Lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Tổng cục Quản thị trường tham gia Đoàn kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc triển khai, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh, thành phố và ngăn chặn việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn qua biên giới. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu lậu lợn qua biên giới cần sự phối hợp rất chặt chẽ của các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, thú y…
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu… trong thời gian gần đây có việc một số xe vận chuyển lợn từ nội địa lên phía biên giới nhưng lượng không nhiều và chỉ đưa vào phục vụ người dân địa phương tại các khu dân cư, không phải đưa qua biên giới vì phía Trung Quốc cũng ngăn chặn lợn đưa sang biên giới do lo ngại dịch tả lợn châu Phi lây lan.
Chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các địa phương để triển khai bình ổn mặt hàng thịt lợn. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, theo đó yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu...
Có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tập trung triển khai một số nội dung gồm: đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...
Bộ đã chủ trì đoàn làm việc với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước để làm việc với các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Hà Nam về công tác chuẩn bị Tết. Theo báo cáo, hầu hết các địa phương đều đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó tập trung nguồn lực vào việc bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Một số địa phương đã xây dựng phương án cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, như tại TP HCM, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 1532/KH-SCT về ứng phó khẩn cấp đối với Dịch tả lợn châu Phi và các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trong đó đã xây dựng 5 nhóm giải pháp chung, xây dựng các tình huống và giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Thành phố cũng đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác. Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong 45 ngày trước, trong và sau Tết. Tổng nguồn cung mặt hàng thịt lợn bình ổn thị trường của Thành phố là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng Tết, chiếm 21% thị phần của toàn Thành phố.
Tại Hà Nội, nguồn cung nội tại đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, nhu cầu đa dạng và tăng trong dịp Tết nên nguồn cung có sự thiếu hụt. Đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tăng khoảng 18 - 20% so với các tháng thường.
Về nguồn cung, theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 khoảng 1.180 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10/2019 là 18.800 tấn hơi, tăng 4.600 tấn so với tháng 9. Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi. Lượng thịt thiếu hụt sẽ được bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào, như sản lượng thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9% và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận.
Hà Nội đã có thỏa thuận phối hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo về triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn trên địa bàn thành phố trong đó yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, găm hàng, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.
Còn tại Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm gần 50% so với thời điểm Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 4/2019. Việc tái đàn chưa thể thực hiện do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.
Trước tình hình trên, để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nguồn dự phòng khoảng 30 tỷ đồng thực hiện khi xảy ra khan hiếm thịt lợn hoặc sốt giá, các nội dung: Các đơn vị cam kết tham gia bình ổn được thanh toán các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng, phân phối hàng hóa đến các vùng, địa phương thiếu hàng; Khi các mặt hàng thịt lợn, gà, trứng gia cầm bị thiếu hụt, tăng giá, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi, giết mổ kịp thời cung ứng thực phẩm. Cần thiết sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất từ nguồn dự phòng để doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa.
Tại tỉnh Hà Nam, theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm 2019 giảm hơn 20% so với năm 2018 do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, Hà Nam có chợ đầu mối gia súc, gia cầm lớn nhất phía Bắc với lượng lợn qua chợ khoảng 1.000 – 1.200 con/ngày. Số lượng lợn trên được đưa về chợ đầu mối từ các cơ sở chăn nuôi trong và ngoài tỉnh và giúp bảo đảm nhu cầu cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhà máy chế biến thịt lợn với công suất thiết kế 1,4 triệu con/năm cũng sẽ góp phần bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Để bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động có kế hoạch dự trữ hàng hóa bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên truyền, định hướng cho cơ sở sản xuất, người dân tăng cường tiêu dùng các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.
Nhập khẩu thịt lợn thiếu hụttừ đối tác thương mại
Theo Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm, việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tại Kết luận số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Phần thiếu hụt còn lại, phối hợp với Bộ Công Thương để tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta”. Theo đó, Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục thống kê và có báo cáo số 8730/BNN-TY ngày 21/11/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam, như Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Hà Lan, Ireland, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Nuizelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.
Theo thông tin Bộ Công Thương được biết, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96.000 tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Tuy nhiên, để có thông tin chính xác về việc nhập khẩu thịt lợn, đề nghị liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.