Doanh nghiệp cho biết, số lượng đơn hàng bị hủy từ thị trường Mỹ, EU hiện đã tương ứng từ 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.
Dù EU và Mỹ không chủ trương ngưng nhập hàng hoá vì COVID-19, nhưng nhiều đối tác do khó khăn vẫn dừng đơn hàng của doanh nghiệp Việt.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư & Thương mại TNG cho biết, EU là thị trường xuất khẩu chủ lực của TNG thời gian qua, với tỷ trọng khoảng 40%. Tuy nhiên, mới đây đối tác Pháp của doanh nghiệp đã thông báo dừng nhận đơn hàng của họ vì COVID-19 đang lan nhanh tại châu lục này.
Chủ tịch TNG nhấn mạnh việc các đối tác dừng nhận hàng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải cơ cấu lại các mặt hàng sản xuất.
"Chúng tôi đang gấp rút tính toán lại, đơn hàng nào còn kịp xuất đi trong nay mai thì nhanh chóng chuyển, còn lại sẽ dừng", Chủ tịch TNG nói.
Thậm chí, ông Thời còn dự tính, tới cuối tháng 4, doanh nghiệp sẽ tồn khoảng 200 container hàng xuất đi EU, Mỹ bị đọng lại các kho, thiệt hại không nhỏ khi mỗi container hàng trị giá vài chục tới hơn một trăm nghìn USD.
Cuối tháng 2, TNG dự tính doanh thu có thể tăng khoảng 4% so với năm ngoái, nhưng diễn biến dịch phức tạp không ngờ khiến kế hoạch bị đảo lộn. "Năm nay đạt được doanh thu bằng năm ngoái đã là quá may mắn, chỉ sợ cuối năm tình hình phức tạp thì sụt giảm doanh thu là điều không tránh được", ông Thời bày tỏ.
Không chỉ TNG, doanh nghiệp dệt may lớn như May 10 cũng cùng lo lắng. "Chúng tôi gặp khó khăn kép, trong tháng 2 doanh nghiệp phải lo nhập nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất liên tục, giờ đủ nguyên vật liệu thì dừng sản xuất, dừng giao hàng những lô đã sản xuất", ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 nói.
Cụ thể, các lô hàng đường biển của công ty trong tháng 3 phải lùi sang tháng 4 và 5. Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị khách hàng yêu cầu dừng."Nếu việc ngừng này xảy ra trên diện rộng thì tổn thất sẽ rất lớn", ông Đức Việt nói.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 09/03/2020
22:06, 08/03/2020
15:00, 08/02/2020
01:22, 22/01/2020
00:19, 10/01/2020
03:00, 22/12/2019
04:37, 17/12/2019
Thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chỉ trong hai ngày từ 16 và 18/3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.
Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị, tương ứng từ 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.
Trên thực tế, từ rất nhiều năm qua, thị trường Mỹ có sự áp đảo về thị phần với nhóm hàng dệt may xuất khẩu. Đơn cử như năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm đến 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Cùng với Mỹ, EU cũng là đối tác xuất khẩu quan trọng hàng đầu ở Việt Nam.
Do đó, trong bối cảnh khó khăn này, đại diện Công ty CP May Phù Cát cho rằng, doanh nghiệp cần hỗ trợ trong việc giãn nợ thuế, bảo hiểm xã hội và giảm lãi suất cho vay, giãn trả nợ vay ngân hàng.
Trong khi đó, Chủ tịch TNG cho biết, doanh nghiệp sẽ phải tính tới điều chỉnh lại sản xuất, thay đổi kế hoạch kinh doanh năm nay.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP.HCM đánh giá, việc đóng cửa tạm thời của 2 thị trường lớn nhất sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa.
Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp chỉ còn trông chờ vào thị trường Nhật và ASEAN, tuy nhiên các thị trường này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may.
Nhận định về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đây chỉ là sự tạm dừng của các đối tác nhỏ lẻ, không phải là chủ trương của chính quyền các nước sở tại.
Đối tác không bán được hàng, khó khăn do dịch bệnh nên việc thông báo tạm dừng nhập hàng thời gian này là điều dễ hiểu. "Khó khăn này là bất khả kháng, không riêng doanh nghiệp dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác của các quốc gia cũng đang bị tác động tương tự”, ông Cẩm nhấn mạnh.