VCCI

Nhiều thay đổi lớn trong chính sách thương mại tại thị trường châu Âu

Đình Đại 25/04/2025 12:42

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại Hội thảo "Thúc đẩy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững tại Việt Nam".

daibieu.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Thúc đẩy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững tại Việt Nam" - Ảnh: Đình Đại.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục bị chi phối bởi những rủi ro địa chính trị leo thang, lạm phát kéo dài, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang quay trở lại mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, tại Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ mới đang siết chặt hơn nữa chính sách “Nước Mỹ trên hết” với loạt biện pháp thuế quan cứng rắn. Theo thông tin mới nhất, Mỹ đã và sẽ áp dụng mức thuế mới từ 25% đến 30% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam như thép, nhôm, đồ nội thất, dệt may và thủy sản... Không chỉ vậy, chính quyền Mỹ cũng đang xem xét mở rộng danh sách các sản phẩm bị áp thuế bổ sung, gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ do Bộ Tài chính Mỹ công bố. Điều này tạo thêm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, nếu Mỹ xác định có dấu hiệu can thiệp vào tỷ giá nhằm tạo lợi thế xuất khẩu. Diễn biến này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược ứng phó thận trọng và linh hoạt hơn trong kế hoạch kinh doanh với thị trường Mỹ.

anhthanh.jpg
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

“Trong khi đó, tại thị trường châu Âu, chúng ta cũng đang chứng kiến những thay đổi lớn trong chính sách thương mại. Các cơ chế mới như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), quy định về sản phẩm không gây mất rừng, và Chỉ thị về trách nhiệm doanh nghiệp đối với phát triển bền vững đang tạo ra những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn, không chỉ về môi trường mà còn về truy xuất nguồn gốc, và chuỗi cung ứng minh bạch”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, cùng với làn sóng áp thuế phòng vệ thương mại đang gia tăng, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại nhiều thị trường. Điều này khiến áp lực tuân thủ và chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng cao.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cũng cho rằng, trước bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng mở ra không ít cơ hội nếu chúng ta chủ động thích ứng và tái cơ cấu đúng hướng, đồng thời, ông đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng với các tiêu chuẩn mới của thị trường thế giới, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững. Đây không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn giữ vững vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo phải trở thành ưu tiên chiến lược. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và quản lý tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao năng suất và tăng cường khả năng chống chịu trước biến động.

doanhnghiep.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Thứ ba, trong bối cảnh rủi ro thị trường gia tăng, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là chìa khóa then chốt. Các khu vực như Bắc Âu, Trung Đông, Nam Á và Mỹ Latinh đang nổi lên là những thị trường giàu tiềm năng với ít rào cản thương mại và nhu cầu ổn định, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam.

Thứ tư, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại, tham gia các chương trình tập huấn, tư vấn của các tổ chức hỗ trợ như VCCI, các hiệp hội ngành hàng, Cục Phòng vệ thương mại để nâng cao khả năng ứng phó và bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, hình thành các chuỗi sản xuất nội địa khép kín, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng bên ngoài – đây là chiến lược sống còn trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và chủ nghĩa dân tộc kinh tế lên cao.

Thứ sáu, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quản trị rủi ro toàn diện: từ việc dự trữ nguyên liệu, tái cơ cấu danh mục sản phẩm, chủ động tài chính, đến việc phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao nhằm thích ứng nhanh chóng với các hàng rào kỹ thuật mới.

“Về phía VCCI, chúng tôi cam kết tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường mới nổi, kết nối doanh nghiệp với đối tác chiến lược tại EU, Bắc Âu, Trung Đông, Nam Á và Mỹ Latinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để kiến nghị các chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều thay đổi lớn trong chính sách thương mại tại thị trường châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO